Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày 19/10, tại Bắc Ninh, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản nhằm giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất. Từ đó góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị.
Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, ngành thủy sản đã và đang phát huy các lợi thế, khẳng định là một trong những ngành mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của cả nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong ổn định xã hội, bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo.
“Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Giá cả nguyên vật liệu leo thang do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tác động của biến đổi khí hậu; thị trường bấp bênh và sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cùng với khó khăn cũng có nhiều cơ hội mở ra, đó là sự phát triển của ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số trong thủy sản và chế biến sản phẩm thủy sản, cũng như sự quan tâm của cộng đồng về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản”, bà Lụa nói thêm.
Nhờ khoa học công nghệ
Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Nghiên cứu, đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về dịch bệnh trên tôm, cá. Nghiên cứu, xây dựng được công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển...
Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua như: Nghiên cứu khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp. Chưa khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực…
Ông Ninh cũng chia sẻ định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản thời gian tới như: Nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh. Tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ. Chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tạo và phát triển giống thủy sản mang tính trạng cải tiến. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản...
Phiên toàn thể Hội nghị
|
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua ở mức 4-5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp.
“Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 6,8 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 3,6%. Về xuất khẩu, đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỉ USD. Đạt được những kết quả khả quan như vậy, phải khẳng định có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “Trước bối cảnh khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế. Rất cần tinh thần đam mê nghề nghiệp, quyết tâm, quyết liệt và kiên trì của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều hơn về khoa học công nghệ, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững”.
Tiểu ban Di truyền chọn giống và công nghệ nuôi trồng thuỷ sản
|
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản, chiều 19/10 đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và Công ty Cổ phần Tập đoàn STP.
Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp, hợp tác trong chuyển giao công nghệ nuôi biển, nuôi hồ chứa/hồ thủy điện và nuôi lồng trên sông. Hợp tác liên danh, liên kết trong xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan tới vật liệu HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Hợp tác triển khai các thử nghiệm, dự án sử dụng hạ tầng HDPE phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Tổ chức hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực liên quan chuyển giao công nghệ nuôi biển, nuôi hồ chứa/hồ thủy điện, nuôi lồng trên sông. Hợp tác giới thiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ thông qua các triển lãm, hội thảo, phương tiện thông tin, ấn phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa RIA 1 và STP có ý nghĩa rất lớn, nhất là đối với STP Group vì RIA 1 là đơn vị nghiên cứu, tiên phong đưa hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản bằng lồng nhựa HDPE về Việt Nam và có 1 trung tâm nghiên cứu khoa học đặc biệt về vật liệu này. Trong khi đó, STP Group cũng là một tập đoàn tư nhân trong nước tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đưa sản phẩm hệ nổi nuôi trồng thủy sản vào tiêu chuẩn Việt Nam sắp tới.
“Hợp tác này sẽ giúp STP Group phối hợp với RIA 1 để đưa những thực tiễn hạ tầng ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng trước đây chưa ổn định, còn manh mún, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường giờ đây sẽ hướng tới sự bền vững hơn, bảo vệ được các vật nuôi trên biển, nâng cao giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu”, bà Bình chia sẻ thêm.
Được biết, trong hợp tác lần này, STP Group sẽ hỗ trợ 1 hệ thống lồng HDPE để RIA 1 thực hiện nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen hải sản quốc gia. Bà Bình cho hay, việc hỗ trợ thiết kế lồng để bảo vệ hơn 2.000 giống thủy sản, trong đó có những giống rất hiếm ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí góp phần gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Hải Đăng