Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 15 nghìn ha, sản lượng hơn 60.000 tấn, tăng 4,2%. Giá trị sản xuất đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 3,0% so với năm trước. Hình thức nuôi tiếp tục có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh đã phát triển mạnh các đối tượng thuỷ đặc sản như: tôm càng xanh, cá trắm đen, chạch sụn, ếch, cá rô đồng, ốc nhồi,... mang lại giá trị kinh tế cao. Với vùng nước lợ, phương thức nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ cao được mở rộng, với 75 ha nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới, 300 ha tôm thẻ chân trắng nuôi bán thâm canh, tăng hơn so với năm 2023.
Năm 2024 sản xuất được 100 triệu nhuyễn thể giống, xuất đi các tỉnh miền Trung, miền Nam, Quảng Ninh... Hiện nay, vùng nước lợ ngoài các con nuôi truyền thống, người dân đang đưa vào nuôi thương phẩm một số đối tượng mới như sò huyết, ốc hương, hàu và bước đầu đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, cùng sự chủ động của bà con, năm 2024 ngành Thủy sản Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, góp phần hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành.
Thủy sản nước ngọt tiếp tục được mùa, được giá với sản lượng đạt trên 29.000 tấn, tăng 2% so với năm 2023. Có được kết quả trên là do bà con đã chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời phát triển các đối tượng nuôi có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường như: chạch sụn, cá rô đồng, ốc nhồi, tôm càng xanh. Với ưu điểm dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá trị cao, sinh trưởng phát triển tốt ngay trên các vùng đất trũng cấy 1 vụ lúa, 1 vụ cá, 4 năm trở lại đây, nhiều nông dân ở huyện Nho Quan đã mạnh dạn đưa tôm càng xanh vào nuôi thả. Sau 5-6 tháng trung bình mỗi ha cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng, là mô hình mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nên diện tích đang được mở rộng.
Do tích cực thay đổi phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thâm canh nên năm 2024 vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ không bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, đặc biệt nuôi tôm vụ 3 phát triển, tổng sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng so với năm 2023. Ngoài các con nuôi truyền thống như: cua xanh, cá mú, cá vược, bà con còn mạnh dạn đưa một số đối tượng mới có giá trị như sò huyết, ốc hương vào nuôi ngoài bãi, khu vực từ đê Bình Minh 3 ra đến Còn Nổi, thu hoạch đến đâu thương lái về tận đầm thu mua tới đó. Sản xuất giống, nhuyễn thể tiếp tục phát triển do thị trường được mở rộng, quy trình ngày càng được hoàn thiện và trình độ kỹ thuật của bà con không ngừng nâng cao.
Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là gần 15.000ha, bao gồm cả nước ngọt và nước mặn lợ, sản lượng sản xuất 70.000 tấn, giá trị ước đạt trên 2.320 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2023. Ninh Bình phấn đấu năm 2025 thủy sản đạt tăng trưởng từ 5% trở lên, sản lượng đạt trên 74.000 tấn. Với những biện pháp cụ thể, thiết thực, tin tưởng rằng kế hoạch nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Ninh Bình và nâng cao thu nhập cho người dân.
Giảm áp lực khai thác lên tự nhiên, giải quyết tận gốc vấn đề
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 04/CT-UBND của UBND tỉnh về việc "Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Xác định rõ, bảo vệ nguồn lợi có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, trong 3 năm qua ngành Nông nghiệp đã tổ chức 125 hội nghị, 782 buổi tuyên truyền đến 4.895 lượt người; đã phát 1.768 bộ tài liệu, 98.220 tờ rơi; phối hợp cùng các cơ quan thông tin, truyền thông đưa 467 tin, bài trên truyền hình, báo, đài. Đồng thời, phối kết hợp các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, thông qua việc thả cá phóng sinh, toàn tỉnh đã thả 1.384.050 con cá các loại. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm ra và xử lý các đối tượng vi phạm được tăng cường, 3 năm qua đã phát hiện 1.420 vụ, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 885 vụ, nộp kho bạc nhà nước trên 3.400 triệu đồng.
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ngành Nông nghiệp và PTNT, cùng ngành liên quan, đã thể hiện rõ vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ, có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác quản lý, ngăn chặn nạn sử dụng phương tiện cấm để khai thác thủy sản.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên, những người có uy tín trong cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Rà soát, thống kê các đối tượng sinh sống, hành nghề đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn tỉnh, để xuất các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, chuyển đổi sinh kế nhằm giảm áp lực khai thác lên tự nhiên, giải quyết tận gốc vấn đề.
Ngọc Thúy (nbtv.vn)