Cần hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ (10-05-2024)

Một nghiên cứu gần đây về sự tương tác giữa phát triển nuôi trồng thủy sản biển và nghề cá quy mô nhỏ đã nhấn mạnh sự cần thiết của quy hoạch để ngăn ngừa xung đột về tài nguyên và thị trường.
Cần hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ
Ảnh minh họa

Mặc dù sự tăng trưởng liên tục của nuôi trồng thủy sản có thể được đánh giá cao vì đóng góp cho an ninh lương thực và giải quyết việc làm toàn cầu, nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản đã tác động tiêu cực đến các ngành khác nếu không có kế hoạch và phát triển bền vững.

Nhằm mục đích thúc đẩy sự tăng trưởng hài hòa giữa nuôi biển và nghề đánh bắt cá quy mô nhỏ, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature đánh giá tương tác, lợi ích và sự đánh đổi xảy ra giữa hai ngành. Điều quan trọng cần lưu ý là cả nuôi trồng thủy sản và nghề đánh cá nhỏ lẻ đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và việc làm cho cả cộng đồng nhỏ và toàn xã hội. Do đó, việc quản lý cả hai lĩnh vực phải tính đến tính chất đan xen của các tác động tiềm ẩn đồng thời ngăn ngừa các tác động tiêu cực từ cả hai phía.

Dẫn đầu bởi Elizabeth Mansfield và Fiorenza Micheli - các nhà khoa học từ Trạm Hàng hải Hopkins, California, những nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích chuyên sâu 46 nghiên cứu điển hình về tương tác nghề khai thác nhỏ và nuôi trồng thủy sản, với cả kết quả tích cực và tiêu cực.

Tầm quan trọng của quyền sử dụng mặt nước

Một điểm quan trọng được nhấn mạnh nhiều lần trong cả nghiên cứu là tầm quan trọng của việc phân định rõ ràng các quyền của người dân để đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên biển. Quyền của người dân, có thể bao gồm quyền con người, quyền sở hữu và quyền bản địa, có thể bị tác động tiêu cực khi nghề khai thác nhỏ và nuôi trồng thủy sản cạnh tranh mà không có quy hoạch. Theo nghiên cứu, khi các quyền chung của người dân được nêu rõ và tôn trọng, cả nghề khai thác nhỏ và nuôi trồng thủy sản có thể sẽ được hưởng lợi thông qua việc sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển.

Theo đó, khi quyền của người dân đối với “blue commons” không được tôn trọng hoặc bị thu hồi theo quy định, kết quả kinh tế xã hội của sự tương tác giữa nghề khai thác nhỏ và nuôi trồng thủy sản thường rất tiêu cực.

Xung đột ở Na Uy

Ví dụ, khu vực bờ biển ngoài khơi đảo Spildra, Na Uy, là nguồn tài nguyên quan trọng đối với ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ, nhiều người trong số họ thuộc cộng đồng người Sami, nơi đánh bắt cá truyền thống là nguồn thu nhập và thực phẩm quan trọng. Là một phần của kế hoạch phát triển ven biển được đề xuất vào năm 2015, khu vực này được chỉ định để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng sau những lo ngại và xung đột về đề xuất sử dụng khu vực này, địa điểm này đã bị loại khỏi kế hoạch.

Ngoài những lo ngại rằng nước thải và xáo trộn do các hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái ven biển xung quanh - nơi sinh sống của rất nhiều loài thủy sinh - tầm quan trọng của ngư trường Đảo Spildra đối với người Sami địa phương là điểm tranh chấp chính dẫn đến việc thất bại ngay từ khâu lập kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Sami khi đó nêu lên mối lo ngại về việc xâm lấn của hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các khu vực ven biển quan trọng đối với ngư dân quy mô nhỏ, nhấn mạnh rằng quyền và khả năng tiếp cận của cộng đồng Sami tới các khu vực ven biển có thể sẽ bị ngăn cản. Một số thành viên của cộng đồng địa phương thậm chí còn tin rằng sự phát triển này đánh dấu sự kết thúc của các hoạt động đánh bắt cá truyền thống. Nếu quá trình phát triển tiếp tục diễn ra, thì ngư dân sẽ bị buộc phải ra vùng nước sâu hơn nếu họ muốn tiếp tục, khi đó các thuyền nhỏ hơn đơn giản là không thể đánh bắt cá một cách an toàn.

Sau khi loại bỏ địa điểm Đảo Spildra khỏi kế hoạch phát triển và lưu ý đến phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng địa phương, chính quyền thành phố đã xử lý đơn xin miễn việc phong tỏa địa điểm này bởi một công ty nuôi cá hồi lớn của Na Uy.

Tuy nhiên, ngay cả khi quyền của ngư dân được đảm bảo cho một nhóm hoặc cộng đồng, không phải lúc nào họ cũng có thể vươn tới các vị trí hoặc tài nguyên tương ứng. Khi cộng đồng duy trì quyền sử dụng đối với nghề cá ven bờ, khả năng tiếp cận công bằng các nguồn tài nguyên này cũng quan trọng không kém để đảm bảo sự tương tác cùng có lợi giữa nghề khai thác nhỏ và phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài việc phân định rõ ràng các quyền về tài nguyên, việc xem xét tính khả thi của việc tiếp cận các nguồn tài nguyên là rất quan trọng và khi cần thiết, có thể cần phải thay đổi nguồn tài trợ và cơ sở hạ tầng để cho phép các nghề khai thác nhỏ và hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp cận một cách công bằng.

Trong nhiều trường hợp, sự đánh đổi có thể xảy ra giữa phát triển nuôi trồng thủy sản và nghề khai thác quy mô nhỏ. Bắt nguồn từ giai đoạn lập kế hoạch, lúc này thường thiếu sự tham vấn đầy đủ của các cộng đồng ngư dân bản địa bởi các công ty nuôi trồng thủy sản. Ví dụ, ngay cả trước khi bắt đầu xây dựng, chi phí ban đầu và phát triển nuôi trồng thủy sản cao có thể cản trở sự tham gia của các tổ chức cá nhân bản địa, chi phí cao dẫn tới chỉ các công ty lớn mới có thể tiến hành nuôi trồng thủy sản. Vấn nạn này đã được thể hiện bằng việc tư nhân hóa các vùng nước gần bờ trước đây là khu vực công cộng ngư dân nhỏ lẻ có thể tiếp cận.

Các vấn đề ở Philippines

Một ví dụ rõ ràng về kịch bản này có thể được quan sát thấy trong quá trình phát triển mô hình nuôi cá măng (Chanos chanos) ở Philippines. Việc nuôi loài này đã có từ nhiều thế kỷ trước, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng và phát triển của nó đã diễn ra mạnh mẽ trong vài thập kỷ gần đây do hoạt động sản xuất giống ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí thức ăn cao chiếm tới 80% chi phí nuôi cá măng Philippines có thể phù hợp với các tổ chức lớn hơn và các nhà đầu tư nước ngoài, ngăn cản các nhà sản xuất quy mô nhỏ tiềm năng tham gia vào ngành.

Tương tự, nghiên cứu về những hạn chế trong việc đa dạng hóa ngư dân ven bờ nhỏ lẻ sang nuôi trồng thủy sản ở Anh cho thấy các rào cản về nguồn lực tài chính và kiến thức là rất lớn đối với ngư dân quy mô nhỏ. Ngay cả khi những người tham gia đánh bắt thủy sản tin rằng họ có kiến thức và thời gian để nuôi trồng thủy sản thành công, họ vẫn cho rằng không kham nổi chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều ngư dân chia sẻ lo ngại rằng nuôi trồng thủy sản sẽ cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản trên thị trường. Do đó, nếu muốn giúp ngư dân quy mô nhỏ chuyển sang hoạt động nuôi trồng thủy sản khả thi hơn, cần tăng cường tài trợ và chia sẻ kiến thức, đặc biệt tập trung vào việc cung cấp tập huấn về các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cơ bản cũng như các quy định và chính sách.

Cạnh tranh hàng hóa

Nghề khai thác nhỏ và nuôi trồng thủy sản cũng thường cạnh tranh trực tiếp trên các thị trường do có sự chồng chéo về sản phẩm và khách hàng. Tác động của loại tương tác này có thể khó dự đoán hoặc quy hoạch vì cạnh tranh thị trường có thể xảy ra ngay cả khi nghề khai thác nhỏ và hoạt động nuôi trồng thủy sản không ở cùng địa điểm.

Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn sự cạnh tranh này xảy ra nhưng vẫn phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, chẳng hạn như đưa các sản phẩm nghề khai thác nhỏ vào các điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng. Thay vì dựa vào thức ăn thủy sản nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm có thể cạnh tranh với sản lượng thủy sản, việc tìm nguồn cung ứng sản phẩm thức ăn trực tiếp từ các nghề khai thác nhỏ địa phương có thể mang lại kết quả cùng có lợi cho cả nghề khai thác nhỏ và hoạt động nuôi trồng thủy sản, dẫn đến giảm cạnh tranh về nguồn lợi và thị trường cho cả hai ngành.

Ví dụ, công ty khởi nghiệp SeaVentures có trụ sở tại Kenya thu thập các phụ phẩm thải ra từ nghề cá quy mô nhỏ, xử lý phế phẩm và xác cá thành thức ăn thủy sản giàu dinh dưỡng. Các quy trình như thế này tạo ra tiềm năng tăng thêm doanh thu cho ngư dân bằng cách tăng thêm giá trị cho các sản phẩm phụ thủy sản bị loại bỏ trước đây, đồng thời giảm nhu cầu về thức ăn thủy sản phụ thuộc vào trữ lượng cá tự nhiên vốn đã bị khai thác nhiều.

Giải pháp mô hình hóa và sự phối hợp

Là một phần của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích mô hình định tính về các cấu trúc chính sách khác nhau có khả năng được sử dụng để quản lý mối quan hệ giữa nuôi trồng thủy sản và nghề khai thác nhỏ. Mô hình này chỉ ra rằng kết quả của các tương tác trong ngành rất khác nhau và khó dự đoán, phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc và giả định cụ thể của các hệ thống tương tác - một phát hiện nêu bật thách thức của việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng cộng sinh của cả hai lĩnh vực.

Phân tích do các nhà nghiên cứu thực hiện cho thấy rằng các chính sách chỉ tập trung vào khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản riêng lẻ mà không có những thay đổi cơ cấu khác có thể sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến nghề cá địa phương. Ngược lại, các chính sách khuyến khích mở rộng nuôi trồng thủy sản cùng với sự hội nhập của nghề cá địa phương sẽ có nhiều khả năng mang lại sự hiệp lực đôi bên cùng có lợi, mặc dù cần tiếp tục nỗ lực quản lý để giảm thiểu các tương tác tiêu cực.

Hải Đăng (theo The Fish Site)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác