Tại Quyết định 339/QĐ-TTg được phê duyệt ngày 11/3/2021 về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ đã xác định phát triển ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, và nâng cao đời sống ngư dân, tập trung vào ba trụ cột chính là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái đã thúc đẩy việc triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân tại một số địa phương. Sau hơn 3 năm triển khai chiến lược và 2 năm thực hiện đề án, nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế tại các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Thuận... đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của cộng đồng.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai các kế hoạch quan trọng trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng thủy sản, tăng cường bảo tồn biển và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt trong việc tổng kết tình hình thực hiện các mục tiêu, đánh giá những thành tựu đạt được, cùng với các tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức, hợp tác xã, hội ngư dân trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, cũng như đề xuất các biện pháp, cơ chế và chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hiệu quả các kế hoạch đã đề ra, tập trung vào giảm khai thác, phát triển nuôi trồng, bảo tồn nguồn lợi biển, chuyển đổi sinh kế và tạo việc làm bền vững, qua đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cộng đồng ngư dân ven biển.
|
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều mô hình hợp tác kết hợp đồng quản lý đã được triển khai nhằm chuyển đổi từ phương thức nuôi trồng và khai thác hải sản truyền thống, mang tính tự phát sang có quản lý và liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, chiến lược khuyến khích thực hiện đồng bộ công tác đào tạo và chuyển đổi nghề cho ngư dân, điều chỉnh số lượng tàu cá và sản lượng thủy sản khai thác theo khả năng của nguồn lợi tự nhiên. Việc thúc đẩy nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững đi đôi với bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản cũng là nội dung trọng tâm được đề cập đến. Ngoài ra, việc hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, và xây dựng các doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác xa bờ và viễn dương cũng được đặc biệt nhấn mạnh.
|
|
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Trần Đình Luân đã khẳng định chuyển đổi sinh kế và bảo tồn biển không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để cải thiện đời sống ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên. Để chấm dứt tình trạng ngư dân phải bỏ nghề, rời quê hương để đi làm ăn ở nơi khác, cần sớm tổ chức lại hoạt động khai thác ven bờ, quy hoạch lại đội tàu khai thác gần bờ và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ và phục hồi nguồn lợi biển. Cùng với nỗ lực của các địa phương và tổ chức, các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại các nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu triển khai các chính sách, chiến lược chuyển đổi nghề ven bờ sang hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Mục tiêu quan trọng nhất là tạo được công ăn việc làm, bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cho người dân, thu hút được thanh niên quay về xây dựng quê hương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là chìa khóa để thực hiện thành công chiến lược này.
Tuy trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng với những bước đi đúng đắn, ngành thủy sản Việt Nam có tiềm năng trở thành một mô hình phát triển bền vững. Đây không chỉ là cách để duy trì sinh kế cho hàng triệu ngư dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển, tạo nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai.
Hương Trà