Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi sụt giảm trong tháng 2 và 3/2024, xuất khẩu nghêu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 4, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nghêu của Việt Nam đạt hơn 26 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm nghêu của Việt Nam được xuất sang hơn 30 thị trường trên thế giới. Trong đó, EU, Mỹ và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất nghêu của Việt Nam (chiếm 91% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Năm nay, EU và Mỹ không tăng nhập khẩu nghêu từ Việt Nam, thậm chí Mỹ còn giảm nhập khẩu. Trái lại, Trung Quốc và Hongkong lại có xu hướng tăng mạnh (+ 508%) so với cùng kỳ. Xét theo mức tiêu thụ, thị trường hai mảnh vỏ châu Á-Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những thị trường lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu về nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi dân số ngày càng tăng, thu nhập tăng và nhận thức ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe của việc ăn hải sản. Thị trường hai mảnh vỏ châu Âu là thị trường lớn thứ hai trên thế giới.
Đối với Chứng nhận MSC, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong cam kết sử dụng chứng nhận này để thúc đẩy việc phát triển bền vững (tiêu biểu là nghề nuôi và khai thác nghêu Bến Tre). Năm 2024, nghêu Bến Tre tiếp tục được Hội đồng Biển Quốc tế về Khai thác thủy sản bền vững, còn gọi là Hội đồng Quản lý Biển (Marine Stewardship Council - MSC) công nhận đạt chuẩn khai thác thủy sản bền vững, và đây là lần thứ 3 nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này.
Trong khi trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bền vững, đạt nhãn xanh đang ngày càng gia tăng (nhất là tại thị trường EU) thì việc một địa phương của Việt Nam đạt chứng nhận MSC đầu tiên trên thế giới (vào năm 2009) và tiếp tục được duy trì trong hai lần tái đánh giá tiếp theo (vào năm 2016 và 2024) là sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chứng nhận MSC lần thứ 3 cho nghêu Bến Tre sẽ có giá trị trong vòng 5 năm (kể từ ngày 23/5/2024 đến ngày 22/5/2029). Đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu các sản phẩm nghêu có giá trị cao.
Xuất khẩu nghêu sang EU có xu hướng phục hồi
Sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2023 và quý 1/2024, xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang EU bước sang quý 2/2024 có xu hướng tăng lên (tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022). Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu nghêu sang EU trong tháng 4 và tháng 5 tăng liên tục ở mức 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường này tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 26 triệu USD (tuy nhiên vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022).
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nghêu luộc đông lạnh sang EU, chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là thịt nghêu đông lạnh. Trong khối EU thì 3 thị trường Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất nghêu của Việt Nam (chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu nghêu sang khối thị trường EU). So với 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nghêu Việt Nam sang Tây Ban Nha và Italy tăng, trong khi xuất khẩu sang Bồ Đào Nha giảm.
Đáng chú ý: Trong số các nước EU, Tây Ban Nha là thị trường có xu hướng tăng nhập khẩu nghêu liên tục trong 5 tháng đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nghêu sang thị trường EU. Trong đó HASUVIMEX, Lenger Seafoods Vietnam và Minh Dang Co., Ltd là 3 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất nghêu sang thị trường này, chiếm 58% tổng xuất khẩu nghêu của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu đối với nhuyễn thể tại thị trường EU đang có xu hướng hồi phục sau lạm phát. Bên cạnh đó, việc nghêu Bến Tre tiếp tục được chứng nhận MSC sẽ là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường EU.
Ngọc Thúy - FICen