EU là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, thị trường này liên tục tăng giảm thất thường nhu cầu nhập khẩu cá tra. Sau khi tăng nhập khẩu 20% cá tra từ Việt Nam trong tháng 1/2024, EU ngay lập tức giảm nhập khẩu trong 2 tháng sau đó. Cụ thể, tháng 2/2024, EU nhập khẩu 8 triệu USD, giảm 46% và tháng 3/2024 nhập khẩu hơn 18 triệu, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trong tháng 2/2024 là do trùng kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Mặc dù vậy, tháng 2/2024 vẫn là tháng chứng kiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (kể từ đầu năm 2022). Tuy vẫn là mức giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU trong tháng 3/2024 vẫn ghi nhận là mức cao nhất (kể từ tháng 4 năm ngoái).
Cá tra phile đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. 5 tháng đầu năm 2024, EU mua 67 triệu USD phile cá tra đông lạnh, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 11% trong tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường, và chiếm 95 tỷ trọng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU. Xuất khẩu các sản phẩm khác như cá tra nguyên con/cắt khúc đông lạnh (thuộc mã 03 - trừ cá thuộc mà 0304) và cá tra giá trị gia tăng sang EU cũng chứng kiến tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm nay, với giá trị lần lượt đạt gần 3 triệu USD, giảm 14%, chiếm 4% tỷ trọng; và gần 1 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ, chỉ chiếm 1% tỷ trọng.
Nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU đạt gần 7 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế tính đến 15/6/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 77 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khối EU thì Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam: 5 tháng đầu năm 2024, Hà Lan đã nhập khẩu gần 6.000 tấn cá tra từ Việt Nam, trong đó phần lớn là sản phẩm cá tra phile đông lạnh còn da (mã HS03046200) với gần 5.500 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ, chiếm 92% tỷ trọng; tiếp đến là sản phẩm cá tra nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm đông lạnh (mã HS 03032400) với gần 400 tấn, giảm 31% so với cùng kỳ, chiếm 4% tỷ trọng.
Nửa đầu tháng 6/2024, giá trị nhập khẩu cá tra từ Việt Nam của Hà Lan đạt gần 2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/6/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hà Lan đạt gần 21 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Hà Lan, một số thị trường khác như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ cũng ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong đó, tại Đức đạt 17 triệu USD, tăng 0,3%; Tây Ban Nha đạt 9 triệu USD, tăng 27% và Bỉ đạt 8 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang các thị trường vẫn tăng trưởng dương (7%), trong đó xuất khẩu cá tra tăng 6% so với cùng kỳ. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU không ổn định, nhưng nhìn chung lũy kế xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng (do EU tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam).
VASEP nhận định, thị trường EU đang có xu hướng ổn định dần dần, với nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Giá cả thị trường và tiêu dùng cũng dần ổn định, lạm phát thuỷ sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5/2024. Nửa cuối năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.
Ngọc Thúy (theo Tạp chí Công Thương)