Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn kiến thức về điều kiện vùng nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản gắn liền với công tác bảo vệ môi trường (lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi tôm tham gia đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản), hướng dẫn kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hoặc ít thay nước; tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện đúng quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm trong nuôi trồng thủy sản và các quy định khác có liên quan đến bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định vùng nuôi để tích hợp chung với quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu. Có kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt và nguồn vốn được phân bổ; xây dựng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy định bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó quy định cụ thể điều kiện bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, việc thực hiện thủ tục môi trường đối với cơ sở nuôi và trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc biệt là đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Công an tỉnh, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ, đề tài khoa học, mô hình xử lý, tái chế các loại chất thải phát sinh từ ao nuôi tôm siêu thâm canh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc vùng Nam Quốc lộ 1A: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, khuyến khích các hộ nuôi tôm tham gia đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản và kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản được cấp, góp phần giảm thiểu tình trạng nuôi tự phát, xen kẽ trong khu dân cư không đáp ứng các điều kiện về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích các cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phân tán, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh nuôi theo hình thức tập trung và hợp tác sản xuất (hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã) để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn; vận động những hộ nuôi tôm không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh chuyển đổi sang hình thức nuôi, nuôi đối tượng khác phù hợp với quy hoạch.
Ánh Nguyệt