Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cả nền kinh tế nước ta, với số tiền ước tính khoảng 81.500 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu, với 2 ngành thủy sản và chăn nuôi thiệt hại nặng nề nhất.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thủy sản thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng, còn chăn nuôi tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng. Mặc dù 9 tháng năm 2024, năng suất, chất lượng của của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt chỉ tiêu. Thế nhưng, chắc chắn con số thống kê này sẽ ảnh hưởng vào tháng 10. Do đó, để đảm bảo kế hoạch đề ra, Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương cần phải tăng cường sản lượng ở những tỉnh không bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 vừa qua.
Theo Cục Thủy sản, kết quả sản xuất, nuôi trồng 9 tháng đấu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt gần 4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2023, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3%; tôm nước lợ đạt gần 860.000 tấn, nuôi biển đạt 600.000 tấn,…Tuy nhiên, trong tháng 9, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng trực tiếp khoảng 33.000ha, 15.000 ô lồng với sản lượng thủy sản các loại bị thất thoát lên đến 50.000 tấn, thiêt hại kinh tế khoảng 6.100 tỷ đồng.
Ngay sau bão, ngành thủy sản đã rà soát thiệt hại của các đối tượng thủy sản bị thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua. Từ đó, sẽ có phương án phục hồi cụ thể và bù đắp sản lượng với những đối tượng khác. Đồng thời, tập trung khôi phục sản xuất, xác định nhu cầu của từng địa phương để cải tạo, chuẩn bị hạ tầng, đảm bảo môi trường tái sản xuất. Quản lý tốt chất lượng giống, vật tư thủy sản; tăng cường thả nuôi diện tích chưa thả theo kế hoạch đặc biệt nuôi thâm canh, công nghệ cao, quản lý tốt các yếu tố môi trường dịch bệnh; triển khai tốt an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo báo cáo từ các địa phương, trong 9 tháng năm 2024, trên cả nước vẫn kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên thủy sản, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn phức tạp trên các đối tượng tôm, cá tra và thủy sản nước ngọt.
Cụ thể, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm còn 4.257ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…), ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316 ha và 3.936 ao, lồng, bè, vèo; chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản.
Cục Thú y cùng với Cục Thủy sản đang tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác phòng bệnh sớm, từ xa tại các địa phương bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt những kết quả nhất định, diện tích thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh đã giảm tương đối so với năm 2023. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan bởi dịch bệnh trên thủy sản khi đã xuất hiện thì lây lan nhanh và gây thiệt hại rất lớn.
Trước tình hình thời tiết nhiều biến động, để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức tiến yêu cầu các cơ sở nuôi trồng phải ưu tiên xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh khử khuẩn, xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi. Về con giống, cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và đảm bảo sức đề kháng cao,..
Các địa phương cần hỗ trợ người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cảnh báo các yếu tố môi trường có thể tác động đến sức khỏe thủy sản. Mặt khác, các tỉnh giáp biên giới cần kiểm soát tốt hoạt động nhập lậu thủy sản, đặc biệt là tôm giống để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, lây lan thành dịch.
Còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ hết năm 2024, do đó, người nuôi tôm thẻ chân trắng tại phía Bắc cần tập trung hết lực lượng để sản xuất; khu vực phía Nam, cần đẩy mạnh sản xuất tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm, cá ba sa, nhuyễn thể và nuôi biển… để bù đắp sản lượng cho cả khu vực phía Bắc.
Thanh Thủy