Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản có hiệu lực. Sau đó, một số văn bản mới của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được ban hành thay thế văn bản cũ nhưng chưa được cập nhật, bổ sung, sửa đổi trong Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT. Cụ thể như sau:
Khoản 3 Điều 109 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý nông nghiệp gồm các chương trình quan trắc nước, đất, trầm tích phục vụ mục đích thủy lợi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp." Do đó, một số quy định tại Thông tư 04/2016-BNNPTNT hiện nay không còn phù hợp cần rà soát, cần chỉnh sửa cho phù hợp.
Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định: "Hoạt động quan trắc môi trường phục vụ mục đích quản lý của ngành, lĩnh vực quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 109 Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.".
Pháp luật chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa quy định điều kiện tham gia hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, đồng thời Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 32/2014/TT-BNNPTNT quy định: "Đơn vị quan trắc môi trường là tổ chức được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường".
Về Điều 9, Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực tiễn 8 năm triển khai một số quy định không còn phù hợp với quy định mới, hoặc vướng mắc trong quá trình triển khai như thời gian trả kết quả quan trắc (3 ngày), tên các tổ chức, đơn vị thực hiện quan trắc được quy định tại một số điều của Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT, quy định về thông số, tần suất quan trắc, lựa chọn vùng quan trắc môi trường cần điều chỉnh và bổ sung.
Trong Luật Thú y không giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chi tiết về công bố dịch bệnh động vật thủy sản cũng như công bố hết dịch. Mặc dù Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT chỉ quy định cụ thể hóa về mặt kỹ thuật nhưng các quy định trong Luật cơ bản đầy đủ, có thể áp dụng không cần hướng dẫn chi tiết.
Bên cạnh đó, tên một số tổ chức (Tổng cục Thủy sản, Cơ quan thú y Vùng) đã thay đổi nên cần cập nhật trong Thông tư sửa đổi cho phù hợp hiện hành... Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh thủy sản là cần thiết.
Sửa đổi quy định về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản
Theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, đơn vị quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản là tổ chức, cá nhân đủ Điều kiện tham gia hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được Tổng cục Thủy sản giao hoặc chỉ định thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi như sau: Đơn vị quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản là tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT quy định nội dung chính của Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm: Xác định nhu cầu, mục tiêu quan trắc; xác định vùng, Điểm và đối tượng quan trắc; xác định thông số, tần suất, thời điểm và phương pháp quan trắc; xác định các tổ chức, cá nhân phối hợp tham gia thực hiện; xác định nhu cầu kinh phí, nguồn kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi nội dung của Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm: Mục tiêu, tiêu chí, nội dung thực hiện, giải pháp và nhiệm vụ, nhu cầu và nguồn kinh phí triển khai, tổ chức thực hiện.
Theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, đối tượng quan trắc là động vật thủy sản nuôi có sản lượng lớn, có giá trị thương phẩm cao, được nuôi tập trung trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đối tượng quan trắc: Là chất lượng nước vùng nuôi động vật thủy sản có sản lượng lớn, có giá trị thương phẩm cao, được nuôi tập trung trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương….
Ngọc Thúy - FICen