Năm 2022, thống kê sơ bộ cho thấy toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.676 ha; Trong đó, diện tích nuôi tôm 2.160 ha, cá biển 276 ha, các đối tượng thủy sản khác 240 ha. Thủy sản nuôi lồng bè khoảng 104.106 lồng; Trong đó, tôm hùm 102.031 lồng (tôm ương 26.550, tôm thương phẩm 75.481), cá biển 2.060 lồng, ốc hương 15 lồng.
Đối với tôm nuôi nước lợ: Bệnh tôm xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Đến tháng 10/2022, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh 102,99 ha; chiếm tỷ lệ gần 5% so với diện tích thả nuôi (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp 97,14 ha; đốm trắng 5,85 ha (thị xã Đông Hòa 91,25 ha; Sông Cầu 0,74 ha; huyện Tuy An 11 ha). Các đối tượng thủy sản khác: Tôm hùm, cá biển nuôi lồng (phường Xuân Yên) bị chết do môi trường với số lượng ước tính 30.740 con tôm hùm các loại/200 lồng nuôi và 1.220 con cá các loại (chủ yếu cá mú và cá bớp).
Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo
Trong năm 2022, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; chỉ đạo quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản; phân bổ hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% phòng chống dịch bệnh thủy sản; tăng cường phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi. Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và văn bản triển khai thực hiện.
Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các địa phương, các lớp tập huấn…ngành chức năng, chính quyền các địa phương phối hợp, tuyên truyền phổ biến các quy định về phòng chống dịch bệnh, bản tin quan trắc môi trường, thông báo giám sát dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi có trách nhiệm trong báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Đề cao công tác giám sát dịch bệnh
Định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát dịch bệnh nguy hiểm trên tôm 346 mẫu. Kết quả phát hiện tác nhân gây bệnh: AHPND 26/60 mẫu, WSSV 9/60 mẫu, EHP 19/42 mẫu, IHHNV 01/42 mẫu và Rickettsia 14/16 mẫu; kịp thời thông báo kết quả đến địa phương và hộ nuôi để cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.
Kiểm tra tình hình dịch bệnh, thủy sản nuôi bị chết để xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp phòng, chống. Trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền các địa phương, kiểm tra tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết do môi trường tại các vùng nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu; kiểm tra dịch bệnh, cấp hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý các ổ dịch trên tôm nuôi nước lợ.
Ngoài ra, tích cực kiểm tra, hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Tổ chức 05 lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi (200 người tham dự). Hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý mầm bệnh tại ao hồ nuôi thủy sản, kênh mương vùng nuôi, tránh lây lan dịch bệnh. Năm 2022, tổng số hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% đã sử dụng để phòng chống dịch bệnh thủy sản và xử lý ao hồ nuôi. Kiểm dịch giống thủy sản xuất tỉnh theo quy định. Tổng cộng số lượng giống kiểm dịch trên 234,27 triệu con.
Đánh giá kết quả đạt được trong năm 2022
Nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương, triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh được truyền tải đến người nuôi kịp thời… đã giúp giảm thiểu nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh và sự cố môi trường trên thủy sản nuôi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2022 cũng còn hạn chế, tồn tại: (i) Bệnh trên tôm nước lợ vẫn còn xảy ra rải rác tại các vùng nuôi, diện tích bệnh tăng cao hơn so với năm 2021; (ii) việc chấp hành các quy định về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản của người nuôi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là không kê khai nuôi trồng thủy sản, không báo cáo dịch bệnh và tự ý xả thải nước ao hồ nuôi bị dịch bệnh chưa qua xử lý ra môi trường làm phát tán mầm bệnh; (iii) các địa phương có xây dựng kế hoạch nhưng đa phần chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương.
Nguyên nhân chính liên quan đến vấn đề thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn; trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, ý thức một bộ phận không nhỏ người nuôi chưa cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định, làm lây lan mầm bệnh.
Đồng thời, lực lượng cán bộ thú y có chuyên môn thủy sản còn ít; hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên ngành thủy sản, thiếu kinh nghiệm thực tế, một số còn thiếu nhiệt tình trong công tác lĩnh vực thủy sản do phụ cấp thấp, không được hỗ trợ thêm phần kinh phí tham gia công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương. Các địa phương chưa chủ động xây dựng phương án triển khai cụ thể trong phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi của địa phương nên chưa có bố trí kinh phí.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản 2023
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch 220/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2023. Qua đó, tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể là, chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi. Chủ động phòng, khống chế một số bệnh nguy hiểm trên tôm hùm; bảo đảm số lồng tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng thả nuôi. Chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng. Khuyến khích xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngọc Thúy - FICen