Văn bản nêu rõ: trong thời gian qua, công tác chống khai thác IUU của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định; trong đó, công tác quản lý tàu cá ra, vào cảng cá và theo dõi giám sát tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình đã được tổ chức, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) tại các cảng cá còn chậm chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động trên biển vẫn còn diễn ra, việc xử lý, xử phạt tàu cá còn thấp.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU của tỉnh, đồng thời chuẩn bị cho đợt thanh tra EC lần thứ 5 sắp tới đạt kết quả tốt nhất; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện nghiêm Kế hoạch số 265-KH/TU ngày 13/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá; Công văn số 3818/BNN-TS ngày 28/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quản lý tàu cá ra, vào cảng cá, nâng cao hiệu quả khai thác cảng, thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng lên bến. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình giao các đơn vị tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng tàu cá của tỉnh, đảm bảo 100% số tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đủ điều kiện hoạt động khai thác trên biển phải được lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối trên hệ thống giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thực hiện giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và cảnh báo chủ tàu, thuyền trưởng khi đưa tàu vượt ranh giới cho phép trên biển hoặc tắt thiết bị VMS tàu cá khi hoạt động trên biển; kịp thời thông báo tới các địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan để điều tra, xác minh xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm về mất kết nối VMS trên biển; cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) theo đúng quy định và cập nhật lên phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT (https://cdt.tongcucthuysan.gov.vn/).
Bộ Chỉ huy Bộ đội đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với chính quyền cơ sở kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá tại địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất và nhập bến, cương quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa lắp đặt thiết bị VMS, thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng chưa khắc phục, sửa chữa hoặc đã lắp thiết bị VMS nhưng chưa đăng ký sử dụng dịch vụ vệ tinh, chưa được niêm phong kẹp chì theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các tàu cá phải bật thiết bị VMS trước khi tàu rời cảng, duy trì hoạt động thiết bị 24/24 giờ đến khi tàu về đến cảng; nếu không chấp hành, xử phạt theo quy định.
Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng điều tra, xác minh, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu tiếp tay, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác (nếu có).
Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân thực hiện thủ tục cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị VMS, HF theo quy định. Các nhà cung cấp thiết bị VMS phối hợp với các chủ tàu cá, kịp thời khắc phục các sự cố khách quan do lỗi thiết bị VMS, gián đoạn dịch vụ.
Công an tỉnh: Rà soát, xác minh tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, xử lý, xử lý nghiêm nếu đủ căn cứ, cơ sở pháp lý các trường hợp cố tình vi phạm; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi móc nối, tiếp tay đưa người đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
UBND huyện Thái Thụy; Tiền Hải; Kiến Xương: Tăng cường công tác tuyên truyền đến ngư dân các quy định của pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS trên tàu cá; các quy định về xử lý vi phạm hành chính về giám sát hành trình tàu cá; tuyên truyền vận động, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá, ngư dân chưa tuân thủ các quy định liên quan đến thiết bị VMS.
Chủ trì xác minh, điều tra, xử lý đến cùng tất cả các tàu cá vi phạm VMS như: Tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên 6 giờ trên biển; tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày trên biển thuộc địa bàn quản lý; gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm các quy định về khai thác hải sản IUU.
Chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan bố trí nguồn lực triển khai thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) tại các cảng cá; sử dụng hệ thống giám sát tàu cá để kiểm soát hiệu quả trong việc tàu cá rời, cập cảng, truy xuất nguồn gốc và tham mưu xử lý vi phạm. Giám sát chặt chẽ việc niêm phong kẹp chì thiết bị trước khi tàu cá rời, cập cảng; đảm bảo tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên rời, cập cảng có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định.
Ngoài ra, thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; tham mưu xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ; bố trí nguồn lực thực hiện cập nhật dữ liệu lên các cơ sở dữ liệu quản lý thủy sản; lập danh sách và đánh giá số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản so với số tàu hiện có tại địa phương để có biện pháp quản lý, xử lý tàu cá không cập cảng bốc dỡ thủy sản theo quy định.
Thanh Thủy