65 năm Ngành Thủy sản thực hiện lời dạy của Bác "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ" (22-03-2024)

Sáng ngày 22/3/2024, để phát động phong trào thi đua và chào mừng Lễ Kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024), Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư đã tổ chức Họp báo tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của Ngày truyền thống ngành Thủy sản thông qua các phương tiện truyền thông như báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình nhằm khơi dậy truyền thống Ngành, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của ngư dân, nông dân và công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Thủy sản.
65 năm Ngành Thủy sản thực hiện lời dạy của Bác

Trải qua 65 năm thực hiện lời dạy của Bác "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ" ngành Thủy sản đã vượt qua "nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành quả, bứt phá vượt bậc", đến nay ngành thủy sản đã khẳng định được vị trí và giữ vai trò hết sức quan trọng trong toàn ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ". Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Thực hiện lời Bác dạy "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ" và góp phần hoàn thành mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh", Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành Thủy sản cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trải qua 4 giai đoạn cùng với sự lớn mạnh của đất nước

Phát biểu tại buổi Họp báo, Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Theo ông Luân, trải qua 65 năm, ngành Thủy sản đã vượt qua "nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành quả, bứt phá vượt bậc". Trong 65 năm qua, Ngành Thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập, đã trải qua 4 giai đoạn chính với những thành tựu nổi bật như sau.

Giai đoạn thứ nhất từ năm 1959 – 1975: Đây là giai đoạn đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Trong chính giai đoạn cam go này, năm 1960, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông Lâm được thành lập.

Giai đoạn này, kinh tế HTX chiếm tỷ trọng lớn trong nghề cá biển. Thông qua phong trào hợp tác hóa, nghề cá du nhập công nghệ mới, cơ giới hóa thuyền nghề, ni lông hóa lưới sợi. Các đoàn tàu đánh cá Việt - Xô, Việt - Trung, Việt - Đức, Việt Triều được thành lập, các nhà máy đồ hộp Hạ Long, cơ khí Hạ Long, cơ khí Vật Cách… tạo nền tảng ban đầu cho công nghiệp nghề cá Việt Nam. Sản lượng khai thác cá biển thời kỳ 1960 - 1965 đạt 110.000 - 130.000 tấn/năm. Các năm 1966 - 1975, trong tình hình có chiến tranh, sản lượng khai thác cá biển vẫn đạt 60.000 - 100.000 tấn/năm.

Từ năm 1963, các nhà khoa học thủy sản đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá mè, trắm, chép, trôi, mrigan, rô phi… Sản xuất tôm giống nhân tạo cũng đã thành công bước đầu, mở ra triển vọng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản sau này. Cũng năm 1963, sản phẩm của Nhà máy cá hộp Hạ Long được xuất khẩu. Năm 1971, những sản phẩm thủy sản đông lạnh Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khu vực II (Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông).

Giai đoạn thứ hai 1976 - 1986: Trước đòi hỏi khách quan và bức thiết phát triển nghề cá biển, trong kỳ họp đầu tiên năm 1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất đã thành lập Bộ Hải sản. Năm 1981, Bộ Hải sản được tổ chức lại thành Bộ Thủy sản.

Đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng của ngành Thủy sản trong bối cảnh đất nước thống nhất, kinh tế thuỷ sản bắt đầu được chăm lo phát triển để manh nha một ngành kinh tế kỹ thuật.

Giai đoạn đầu (1976-1980), do hậu quả nặng nề của chiến tranh và do cơ chế quản lý chưa phù hợp, tiêu thụ theo cách giao nộp sản phẩm, đánh giá kết quả theo khối lượng hàng hoá, không chú trọng giá trị sản phẩm, động lực thúc đẩy sản xuất thủy sản hạn chế, kinh tế thủy sản sa sút nghiêm trọng.

 Tuy nhiên, từ năm 1981, sau khi ông ty Seaprdex Việt Nam thành lập, được Nhà nước cho phép áp dụng thử nghiệm cơ chế “tự cân đối, tự trạng trải”, thực chất là chú trọng nâng cao giá trị của sản phẩm làm ra nhằm tạo nguồn đầu tư để tái sản xuất mở rộng, ngành thuỷ sản bắt đầu bước vào phát triển mạnh mẽ. Những năm 1980, thủy sản được coi là một trong những ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới, chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Con đường mới của ngành đã được mở ra như một hải trình vươn ra đại dương rộng lớn.

Giai đoạn thứ ba từ năm 1986 - 1995: Tiếp theo giai đoạn manh nha phát triển từ trước, giai đoạn này chứng kiến những bước đi mạnh mẽ, phát triển toàn diện ngành Thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Năm 1993, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Giai đoạn này, các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích, các thành phần kinh tế được thu hút, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần củng cố thế mạnh của nghề cá nhân dân.

Tổng sản lượng thủy sản vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn vào năm 1990. Tôm nuôi cho xuất khẩu được xác định là mũi đột phá quan trọng, các đối tượng nuôi khác cũng ngày càng đa dạng hơn, cả ở nước ngọt, nước lợ và nuôi biển.

Từ giữa những năm 1990, ngành Thủy sản tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng đòi hỏi của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới.

Năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn, trong đó Khai thác 928,8 nghìn tấn, Nuôi trồng 415,3 nghìn tấn; Xuất khẩu đạt 550 nghìn USD. Giai đoạn 1980 - 1990, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 48,29%/năm; đến giai đoạn 1991 – 1996, tăng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 15,97%/năm.

Giai đoạn thứ tư từ năm 1995 – nay: Năm 2007, Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 4/2014, lực lượng kiểm ngư được thành lập.

Đây là giai đoạn phát triển ngành Thủy sản một cách mạnh mẽ toàn diện. Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ngành Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sau 20 năm phát triển toàn diện, ngành Thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

"Ngành Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Luân khẳng định.

Phát triển lực lượng Kiểm ngư “Chính quy, Tinh nhuệ, Hiện đại”

Trong sự lớn mạnh, phát triển của ngành thủy sản luôn có sự đồng hành của lực lượng Kiểm ngư. Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển sau 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư đã khái quát được quá trình hình thành và phát triển "Lực lượng Kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản". Đồng thời, cùng với quá trình hình thành, lớn mạnh, những đóng góp to lớn cho Đất nước của ngành Thủy sản, luôn có sự đồng hành của lực lượng Kiểm ngư.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Cục Kiểm ngư được giao thêm nhiệm vụ thường trực công tác chống khai thác IUU, đầu mối thực hiện xử lý hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển...Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vinh dự cho lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Trong thời gian tới, toàn Lực lượng sẽ nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, phấn đấu phát triển lực lượng Kiểm ngư “Chính quy, Tinh nhuệ, Hiện đại”, Ông Hùng nhấn mạnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác