Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 và chuỗi sự kiện đang diễn ra tại Cà Mau (20-03-2024)

Ngày 20/2/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Cà Mau khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (Vietshrimp 2024). Hội chợ đã quy tụ hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp
Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 và chuỗi sự kiện đang diễn ra tại Cà Mau

Hội chợ diễn ra từ ngày 20 - 22/3/2024 tại Cà Mau với chủ đề “VietShrimp 2024 - Đồng hành cùng người nuôi tôm", quy mô 200 gian hàng, với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia các doanh nghiệp và người nuôi tôm… Hội chợ là diễn đàn mở để các bên cùng trao đổi, chia sẻ và tìm giải pháp hữu hiệu vượt qua khó khăn thách thức, đưa ngành tôm tăng trưởng và phát triển hiệu quả bền vững.

Hơn 20 năm qua, ngành tôm luôn giữ vai trò tiên phong trong xuất khẩu thủy sản nước ta. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Tôm Việt Nam đang được xuất khẩu sang khoảng 100 thị trường, nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000 ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm lại bị sụt giảm gần 20%. Năm 2024, dự báo tình hình xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc và tăng 10 - 15%.

Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay khi mà năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, những khó khăn của ngành tôm vẫn chưa qua đi. Sự bất thường của thời tiết, giá vật tư đầu vào tăng liên tục và luôn ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trên tôm nuôi rất lớn. Lạm phát xảy ra tại nhiều quốc gia, chi phí logistics lớn đã dẫn đến xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Trong khi đó, tôm Việt Nam bị cạnh tranh trực tiếp với tôm nhiều quốc gia khác như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

Đáng chú ý chuỗi sự kiện tại Vieshrimp 2024 gồm: hội thảo quốc tế xoay quanh các chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt”; “Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn”; “Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị” và “Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất”... 

Phát biểu chào mừng Vietshrimp - 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Việc tổ chức Hội chợ triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành hàng tôm Việt Nam thường niên lần thứ 5, năm 2024 tại tỉnh Cà Mau là sự kiện có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cùng trao đổi, cập nhật tình hình, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến; kết nối các doanh nghiệp hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đồng thời bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm. Qua đó có giải pháp và bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của con tôm trên thị trường quốc tế. Nhằm chung tay góp phần tìm ra giải pháp, công nghệ mới, tiến tiến phát triển ngành tôm của tỉnh Cà Mau, ĐBSCL và cả nước phát triển hiệu quả và bền vững trong tình hình mới hiện nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm lập kỷ lục với hơn 4,3 tỷ USD; năm 2023, giá trị xuất khẩu hơn 3,9 tỷ USD. Xuất khẩu 3 mặt hàng chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ đều ghi nhận kết quả tốt, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên mức 1,3 tỷ USD, tương ứng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt trong đó, xuất khẩu tôm đạt 459 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan, nhưng đây là tín hiệu tích cực cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2024.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng tôm Việt Nam để khẳng định vị thế của con tôm Việt trên trường quốc tế thông qua việc nắm bắt thị trường, các quy định về phát triển bền vững, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong quy trình sản xuất để đảm bảo nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Thứ trưởng cho rằng ngành tôm muốn phát triển phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đây là động lực quyết định nâng cao sức cạnh tranh để giảm giá thành cạnh tranh với tôm thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất phải chú trọng đến yếu tố môi trường, giảm phát thải.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hội chợ sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng; là diễn đàn để 4 “nhà” là Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông cùng chung tay tìm ra giải pháp, đưa ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững; duy trì vị thế trên thị trường thế giới, kết nối tất cả các lĩnh vực với thế giới; cùng với đó, học tập kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật của các quốc gia tiên tiến để nâng tầm ngành tôm Việt”.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác