Chuyển đổi số - hướng đi của ngành Nông nghiệp (09-11-2023)

Ngày 9/11/2023, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đồng tổ chức Hội thảo chủ đề "Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hướng đi tiếp theo tại Việt Nam" tại Hà Nội.
Chuyển đổi số - hướng đi của ngành Nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc diễn đàn "Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với nông nghiệp là không thể tranh cãi. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân tiếp cận thị trường nhanh chóng mà còn giúp họ ứng dụng mọi công nghệ canh tác tiên tiến, tăng cường sự quản lý, giám sát toàn bộ chuỗi giá trị, tạo sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng đến bàn ăn”.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố dài hạn tất yếu. Ngành nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Trong khuôn khổ của diễn đàn hôm nay, tôi mong muốn chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ và học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế, từ những thành công cũng như thách thức đã và đang diễn ra. Từ đó, đúc kết thành những bước đi cụ thể, những kế hoạch hành động thiết thực để triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả, tạo ra bước ngoặt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chúng ta đều hiểu rằng, Chuyển đổi số ở Việt Nam là rất khó và trong ngành nông nghiệp còn khó hơn nhiều vì đối tượng liên quan trực tiếp là nông dân, với hơn 10 triệu hộ và hơn 30 triệu lao động đang trực tiếp sản xuất trong ngành. Họ là đối tượng yếu thế trong chuyển đổi số. Nhưng Bộ NN&PTNT xác định rằng, sự yếu thế này có thể là lợi thế của ngành nếu biết cách làm và đầu tư từ đầu một cách bài bản, chính xác thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ thành công”, thứ trưởng Hiệp nói.

Theo bà Carrie Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm. Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những bước tiến mới trong vài thập niên gần đây, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần giải quyết. Thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn chưa phát triển. Quy mô ứng dụng công nghệ số còn nhỏ (chưa đến 8% các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số đến một mức độ nào đó). Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn thấp. Doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư nhiều vào chuyển đổi số; và khả năng tiếp cận tài chính của nông dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.

Ngài Đại sứ Hà Lan Kees Van Baar

Đánh giá thêm về những khó khăn mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải, ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam còn đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khi hậu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Khuyến nghị nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số đối với nông nghiệp, ông Jacob và bà Carrie đều cho rằng, để khai thác tối đa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, điều quan trọng là Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, học giả và các chuyên gia về phát triển phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tìm hiểu những chính sách khả thi và các công cụ kỹ thuật phù hợp với bối cảnh của Việt Nam đồng thời hưởng lợi từ kinh nghiệm quốc tế.

“Những thành tựu công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp, như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh và hệ thống GPS có thể được sử dụng cho nông nghiệp chính xác. Nông nghiệp chính xác tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giúp người nông dân có thể đưa ra các quyết định dựa trên các dữ liệu để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực. Các ứng dụng di động quản lý hệ thống tưới tiêu có thể cung cấp dữ liệu thời gian thực về độ ẩm của đất, điều kiện thời tiết và lượng nước sử dụng. AI sẽ giúp nông dân tối ưu hóa các biện pháp tưới tiêu, bảo vệ tài nguyên nước và tăng khả năng thích ứng với khí hậu của nông nghiệp”. Bà Carrie Turk dẫn chứng.

Ông Thomas Jacobs đánh giá sự thành công của nông nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì tính cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và bền vững thông qua chuỗi cung ứng hiệu quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và trả lời câu hỏi tại buổi thảo luận

Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp sẽ góp phần giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 của Việt Nam. Hàng năm ngành nông nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kinh của cả nước. Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải methan từ sản xuất lúa gạo, và đảm bảo không sản xuất cà phê ở những khu vực rừng đã bị tàn phá.

Bên cạnh đó, các bài trình bày chia sẻ nền tảng thương mại điện tử cũng giúp kết nối nông dân với người mua mà không cần qua các khâu trung gian, giúp giảm chi phí giao dịch, nông dân có được lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra hệ thống thanh toán điện tử, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số, tăng khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn.

Buổi chiều, hội thảo được chia làm ba phiên thảo luận rất sôi nổi với rất nhiều các câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả, người nông dân, hộ gia đình, hộ sản xuất nhỏ trực triếp sử dụng các phần mềm ứng dụng. Nhóm 1 là những thách thức và cơ hội trong việc số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp do các hộ sản xuất nhỏ chiếm ưu thế tại Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm của các công ty và khách hàng trong dự án Ag Tech Việt Nam, những người nông dân, người dùng ứng dụng thực tế, dùng thử ứng dụng; do IFC chủ trì. Nhóm 2: Học máy và ứng dụng công nghệ số tới nông dân, hộ sản xuất nhỏ/SME nông nghiệp. Các công cụ dựa trên Đám mây của Microsoft bao gồm Chat Bot; Bayer, do IFC chủ trì. Nhóm 3: Trình bày báo cáo Hiện trạng ngành Nông nghiệp số, do Beanstalk chủ trì.

Khép lại hội thảo là buổi tiệc nhẹ networking giữa các đại biểu, diễn giả và các công ty công nghệ. Qua buổi tiệc này, các đại biểu có thể trực tiếp trao đổi chia sẻ với những chuyên gia, công ty đang thực hiện các dự án chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác