Quảng Nam đặt mục tiêu mỗi năm tăng 10-15% số cơ sở được chứng nhận GAP (24-04-2023)

Theo Kế hoạch 2400/KH-UBND ngày 21/4/2023 thực hiện Đề án “Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Quảng Nam phấn đấu số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tăng 10-15%/năm.
Quảng Nam đặt mục tiêu mỗi năm tăng 10-15% số cơ sở được chứng nhận GAP
Ảnh minh họa

Tại Quảng Nam, công tác bảo đảm chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, nâng cao chất lượng (gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế) được thực hiện từ gốc ở từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. Theo đó, Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.

Từ nay đến năm 2025: Phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP/VietGAHP hoặc tương đương) tăng 10%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. Hằng năm, có từ 07 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trở lên được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương). 100% sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực được giám sát các chỉ tiêu ATTP. 100% các địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp. 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ. 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được cập nhật kiến thức về ATTP. Hằng năm, xây dựng mới ít nhất từ 02 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trở lên.

Trong giai đoạn 2026-2030: Phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP/VietGAHP hoặc tương đương) tăng 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 15%/năm. 100% các địa phương có công chức chuyên trách về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản. 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được cập nhật kiến thức về ATTP. Hằng năm, xây dựng mới ít nhất từ 05 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trở lên.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng cấp giấy được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. 100% hộ sản xuất ban đầu, cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định ATTP. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm.

Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung

Số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP. Huy động các nguồn đầu tư công, ODA, đối tác công tư (PPP) trong nâng cấp cơ sở hạ tầng; các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cảng cá; cơ sở sơ chế, chế biến tập trung… Ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP; hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững (như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn...).

Triển khai hiệu quả công tác truyền thông

Cụ thể, triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu cho tất cả các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Tổ chức các chương trình, chiến dịch thông tin, truyền thông quảng bá, kết nối cung-cầu nông sản chất lượng, an toàn; kịp thời cập nhật, phổ biến thông tin thị trường; quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP của thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản trong và ngoài nước. Phản hồi kịp thời các thông tin sai lệch về chất lượng, ATTP; đồng thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng (giám sát, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính) cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định về chất lượng, ATTP; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, ATTP tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000). Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực thi công vụ.

Đề cao trách nhiệm các ngành, các cấp  

Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng chất cấm trong sản xuất; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản trong sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản không đúng quy định; kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Tập trung kiểm tra, hậu kiểm nhóm sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc diện tự công bố sản phẩm và các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chuyển mạnh sang thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện nhanh, xử lý nghiêm minh, kịp thời và minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ sản xuất “xanh - sạch” - Phát triển mạnh chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Đối với các sản phẩm chủ lực, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sản xuất “xanh - sạch” theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên. Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tạo giống, sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.

Xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng, ATTP và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; Kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Ưu tiên đẩy mạnh chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đồng bộ theo chuỗi, chi phí kiểm nghiệm mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm, chi phí chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (VietGAP/VietGAHP), hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000,…).

Hỗ trợ số hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Phát triển chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm đặc trưng từng địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm và nâng cấp, hoàn thiện thành chuỗi giá trị.

Mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm chất lượng, an toàn

Từ nay đến 2030, toàn tỉnh đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn với các tỉnh/thành phố trên cả nước như thành phố Đà Nẵng, Hà Nội và các tỉnh/thành phố có nhu cầu lớn về tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn.

Bên cạnh đó, xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản an toàn. Hàng năm, tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn để hình thành các chuỗi cung ứng, thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ. Phát triển thương mại điện tử, thương mại số. Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường….

Khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA...) để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực với Trung Quốc. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm an toàn của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trong tình hình mới.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác