Kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của EC về tình hình chống khai thác IUU (21-11-2022)

Ngày 18 tháng 11 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU về kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của EC về tình hình chống khai thác IUU
Ảnh minh họa

Theo đó, Đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ; tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019.

Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan đã cung cấp đầy đủ báo cáo tiến độ và các tài liệu liên quan, đảm bảo tính minh bạch, trung thực và khánh quan; khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực như: sửa đổi bổ sung cơ chế quản lý chuyển đổi hạn ngạch khai thác, quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá,  thực hiện Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA), chương trình giám sát viên trên tàu cá…

Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo thống nhất trên toàn quốc; thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.

Bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; chưa đưa ra được biện pháp kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu dẫn tới rủi ro có sản phẩm IUU được nhập khẩu vào Việt Nam và có nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU.

Khung pháp lý cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU đảm bảo mức phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng phải cao hơn gấp nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm để răn đe; cần quy định đối với tàu nhập khẩu từ nước ngoài đảm bảo tính hợp pháp, không vi phạm IUU.

 Thực hiện việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) chưa kịp thời, đặc biệt là khối tàu cá có chiều dài dưới 15 mét;  công tác quản lý đội tàu khai thác, các cảng cá được chỉ định xác nhận theo qui định của pháp luật thiếu hệ thống, khó truy xuất thông tin phục vụ quản lý. Chưa có Kế hoạch quản lý năng lực khai thác để đảm bảo cân bằng giữa cường lực khai thác và trữ lượng nguồn lợi thủy sản,..

Khuyến nghị của Đoàn thanh tra của EC:

Về khung pháp lý: Để tiếp tục siết chặt công tác quản lý, đảm bảo thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, hiệu quả cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ một số nội dung cụ thể: Quy định đối với tàu nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc không vi phạm IUU, chuyển đổi nghề khai thác trong hạn ngạch được giao theo hướng chỉ cho phép các nghề thân thiện với nguồn lợi, hệ sinh thái; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe, đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm và bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng; xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cần quy định xử phạt đối với hành vi đi ra ngoài ranh giới vùng biển.

Mặt khác, bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật tại địa phương nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, đặc biệt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương yêu cầu xử lý; bổ sung quy định quản lý và chế tài xử lý các cảng cá được chỉ định xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác không đảm bảo đúng quy định; có cơ chế quản lý nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu Container để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sản phẩm từ khai thác IUU.

Về quản lý đội tàu: Năng lực khai thác đội tàu của Việt Nam hiện nay vẫn còn lớn so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, vì vậy cần có giải pháp để giảm cường lực khai thác theo hướng giảm số lượng tàu cá, thời gian khai thác và sản lượng được phép khai thác… để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Công tác quản lý đội tàu theo quy định của pháp luật có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế chưa quản lý được toàn bộ đội tàu hiện có; cần phải có biện pháp quản lý đối với khối tàu chưa lắp VMS, không có giấy phép khai thác và khối tàu đã xóa đăng ký để đảm bảo nhóm tàu này không tham gia hoạt động khai thác trên biển.

Xây dựng cơ chế xử lý đủ hiệu quả để đảm bảo thực hiện việc quản lý tàu cá hoạt động trên biển qua dữ liệu VMS, cân nhắc khả năng của Trung ương, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng của Trung ương và địa phương trong việc thực hiện đề xuất sửa đổi hiện nay đối với quy định Trung ương quản lý toàn bộ khối tàu từ 15 mét trở lên qua hệ thống VMS với số lượng tàu cá lớn như hiện nay.

 Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác: Xây dựng quy trình để kiểm soát nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; các doanh nghiệp phải có quy trình kiểm soát nguyên liệu thô nhập vào (bao gồm sản phẩm trong nước và nhập khẩu) để đảm bảo doanh nghiệp không trộn lẫn nguyên liệu từ khai thác IUU khi xuất khẩu sang thị trường EU; xây dựng hệ thống tại Trung ương để theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại địa phương trên nền tảng điện tử.

Về thực thi pháp luật: Đảm bảo chế tài xử lý phải đủ nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả; đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm. Cân nhắc xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Quy định việc tàu cá ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam mà không được phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng và phải có chế tài xử lý; biện pháp cảnh cáo và yêu cầu ký cam kết không vi phạm khai thác IUU hiện nay không phải là một chế tài xử lý; vì vậy khi tàu đã vi phạm khai thác IUU thì phải được xử lý nghiêm theo quy định, không có trường hợp ngoại lệ.

Đồng thời, có cơ chế giám sát thực thi pháp luật của Trung ương đối với địa phương trong việc thực thi, xử lý các hành vi khai thác IUU; trong đó xem xét có quy định xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tại địa phương không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện các chế tài xử lý đối với các hành vi khai thác IUU.

Đối với danh sách tàu cá IUU và tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU cần rà soát, điều chỉnh lại như: chỉ đưa vào danh sách IUU đối với những tàu cá đã thực hiện hành vi vi phạm và bị xử phạt nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xem xét đưa những tàu vi phạm hành vi khai thác IUU trong nước nghiêm trọng nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vào danh sách IUU; rà soát lại danh sách tàu cá nguy cơ cao đảm bảo phù hợp để theo dõi, kiểm soát là những tàu đã vi phạm và chấp hành xong hình thức xử lý.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác