Quảng Bình: Các lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định (08-06-2022)

5 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Bình gặp một số khó khăn về điều kiện khí hậu, thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng. Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đánh bắt thuỷ sản. Chi phí sản xuất tăng cao do vật tư, nguyên vật liệu tăng giá, gây khó khăn cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ vận tải, thương mại, khai thác thủy sản…
Quảng Bình: Các lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhờ tiếp tục triển khai đồng bộ và tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định.

Ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý II/2022 tăng 7,26%, ước chung 6 tháng tăng 6,96%; dịch COVID-19 trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát; thu ngân sách tăng khá; du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ; sản xuất công nghiệp thực hiện theo đúng kế hoạch, sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được quan tâm và tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, cuối vụ Đông Xuân thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch cây trồng.

Về thủy sản, mặc dù giá dầu vẫn còn cao nhưng giá các mặt hàng hải sản đã dần ổn định, nhu cầu tiêu thụ tăng nên bà con ngư dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn tiếp tục vươn khơi bám biển. Các địa phương đã triển khai công tác củng cố đê bao, nạo vét xử lý ao hồ, khẩn trương áp dụng các biện pháp khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua để tiến hành thả giống nuôi vụ chính trong năm. Sản lượng thủy sản tháng 5 đạt hơn 9.500 tấn, tăng 0,6%; 5 tháng ước đạt gần 34.100 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 5, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra bình thường, nhu cầu tiêu dùng của người dân ổn định; tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao nên chi phí sản xuất tăng kéo giá cả các hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo thu NSNN. Tổng thu NSNN 5 tháng đầu năm đạt hơn 3.570 tỷ đồng (đạt 71,4% so với dự toán Trung ương giao; đạt 59,5% dự toán địa phương giao, tăng 32% so với cùng kỳ).

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, trong đó tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hư ng b i dịch COVID-19; đồng thời tiếp tục huy động vốn, cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Tỉnh Quảng Bình tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với nước bạn Lào (từ ngày 09/5/2022, Chính phủ Lào đã nhất trí mở lại tất cả các cửa khẩu quốc tế). Ngoài ra, Quảng Bình cũng tích cực triển khai tiếp nhận nhu cầu, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, quan tâm đến các dự án kêu gọi đầu tư tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2024.

Bước sang tháng 6, tỉnh đã xác định tập trung điều hành linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai chiến lược vắc xin toàn diện, hiệu quả. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh (trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng), giữ vững ổn định kinh tế và gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh sản xuất vụ Hè Thu để đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa lũ. Đặc biệt, chú trọng triển khai các biện pháp tiết kiệm nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2022.

Triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (về lao động, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu... nhất là nguyên vật liệu trong tình hình giá xăng dầu tăng cao và nhập khẩu từ Trung Quốc bị hạn chế). Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chỉ đạo khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững; quyết liệt chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, không đăng ký, không khai báo. Theo dõi và nhận định sát tình hình thời tiết để chủ động phòng chống thiên tai; triển khai công tác chuẩn bị an toàn hồ đập…

Ngọc Thúy (Quang Binh Portal)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác