OCOP Khánh Hòa Ưu tiên phát triển các nhóm ngành chủ lực (07-06-2022)

Theo kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh sẽ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương.
OCOP Khánh Hòa Ưu tiên phát triển các nhóm ngành chủ lực
Ảnh minh họa

Năm 2022 tỉnh sẽ có 62 sản phẩm của 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia chương trình OCOP. Các sản phẩm này được phân thành 4 nhóm ngành gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ; Trong đó, có các sản phẩm như: chả cá hấp, chả cá chiên, nước mắm cá cơm, tôm hùm, rong biển, yến sào… Hiện toàn tỉnh có 44 sản phẩm của 30 chủ thể được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Đây đều là những sản phẩm đã vượt qua được 26 chỉ tiêu khắt khe trong bộ tiêu chí đánh giá OCOP. Trong đó, các chủ thể sản xuất minh chứng được nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất để đáp ứng các yêu cầu phân phối, liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động địa phương, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022; thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ các địa phương hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện và phát triển sản phẩm tham gia chương trình. Chủ trì hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh để chọn sản phẩm thi đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các chủ thể sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc chương trình OCOP.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của nhà nước cho các đối tượng tham gia kế hoạch thực hiện chương trình. Hướng dẫn, chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện chương trình theo kế hoạch của UBND cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cấp huyện, triển khai các bước theo chu trình OCOP. Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đăng ký tham gia năm 2021 không được đánh giá cao (1-2 sao) và các sản phẩm đạt (3-4 sao) dự thi đánh giá nâng hạng sản phẩm năm 2022.

Được đánh giá là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mục tiêu mà chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021-2025 hướng đến là: Phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Một số mục tiêu của chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025: Có ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia; xây dựng mới ít nhất 50 sản phẩm từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; phát triển mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế OCOP. Đến năm 2025, huy động 50-60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP; sản phẩm từ nông nghiệp tiên tiến, thủy sản, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp 65-70% tổng sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Ngọc Thúy (theo Ban TGTW)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác