Ngành Thủy sản vượt khó thành công, xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD (24-11-2021)

Ngày 24/12/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Kết thúc một năm đầy thách thức và biến động, ngành thủy sản đã vượt khó thành công.
Ngành Thủy sản vượt khó thành công, xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc, Tổng cục Thủy sản, các Hội, Hiệp hội, Viện trường nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản cùng các phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Phùng Đức Tiến đã chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị truờng trong nước và quốc tế giảm mạnh. Mặt khác, tình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản nước ta.

Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào Thị trường EU. Tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân.

Tuy nhiên, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cùng với các địa phương và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp và bà con ngư dân. Đặc biệt, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản và các địa phương đảm bảo thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu đề ra.

Trong năm 2021, thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, sản xuất tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ  các hiệp định FTA, EVFTA đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Báo cáo tổng kết ngành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020, trong đó, sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020, sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 104,6% so kế hoạch.

Năm 2022, ngành Thủy sản đặt ra mục tiêu kế hoạch năm đưa tổng diện nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha).

Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, các sản phẩm chủ lực: sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn. Đưa kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản năm 2022 đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho rằng, đây là một năm ngành thủy sản vượt khó thành công trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn từ dịch bệnh covid-19. Đặc biệt, dịch covid-19 diễn ra trong giai đoạn cao điểm của mùa vụ khai thác và xuất hiện trên diện rộng. Lĩnh vực khai thác thủy sản cũng ảnh hưởng rất lớn khi một số cảng cá xuất hiện các ca F0 covid-19 và phải tạm ngừng đóng cửa các cảng cá. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả ngành thủy sản đã vượt qua những khó khăn về đích với sản lượng và giá trị đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có thể nói đây là một năm về đích ngoạn mục, hoàn thành mục tiêu kép.

Về kế hoạch năm 2022 và những năm tới, với định hướng giảm dần số lượng tàu cá, giảm sản lượng khai thác thủy sản trong thời gian tới, cùng với đó gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác là mục tiêu quan trọng của lĩnh vực khai thác trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu định hướng đó, lĩnh vực khai thác cần tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giảm thiểu những tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng...

Đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2021, về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng năm 2021, lĩnh vực nuôi trồng đã thực hiện được 03 mục tiêu lớn đó là: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sản xuất trong bối cảnh dịch covid-19; hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như các khung định hướng từ các đề án, chương trình tổng thể để đưa lĩnh vực nuôi trồng phát triển trong giai đoạn tới...Hiện nay giá cả các mặt hàng thủy sản tiếp tục có xu hướng tăng, các địa phương cần chủ động các khâu từ con giống, vật tư đầu vào vụ thả giống mới để đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, ông Bá Anh cho biết, các thị trường xuất khẩu thủy sản đã được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2022. Đây là tín hiệu rất vui đối với ngành thủy sản cần tận dụng tối đa, trong bối cảnh dự báo diễn biến dịch covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, là đơn vị cầu nối trực tiếp giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp người dân trong lĩnh vực thủy sản, năm 2021 chứng kiến sự vất vả của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp khi đối diện với đại dịch Covid-19, hoành hành, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, xuất khẩu. Để đạt được kết quả

Năm 2022, ngành thủy sản cần lưu tâm đến giá thành sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, chính vì vậy cần tính đến hiệu quả chất lượng của con giống như mặt hàng: Tôm và cá tra. Đây là khâu quyết định phần lớn giá thành của các sản phẩm xuất khẩu.

Hiện nay các nước như: Ấn Độ, Ecuador là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đã dần chuyển dịch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản theo hướng tăng thị trường Châu Âu, Mỹ và giảm tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước này đang cố gắng để kéo giảm giá thành sản xuất, trong đó điều quan trọng nhất là chất lượng con giống tăng lên, giảm sự hao hụt cũng như khả năng chống chọi dịch bệnh điều này sẽ trực tiếp kéo giảm giá thành sản xuất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đánh giá rất cao kết quả đạt được của ngành thủy sản. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, sức tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng, việc giãn cách xã hội kéo dài đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa bị ác tắc. Để đạt được kết quả trong năm 2021 là một sự nổ lực không ngừng nghỉ của cả ngành và về đích ngoạn mục.

Hiện nay, ngành thủy sản đã cơ bản đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống khung khổ pháp lý và những định hướng chiến lược phát triển của ngành đã cụ thể hóa trong các chương trình, đề tài, dự án, quy hoạch ngành trên tất cả các lĩnh vực.

Về kế hoạch mục tiêu năm 2022, Thứ trưởng yêu cầu tập trung phát triển lĩnh vực nuôi trồng tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; Đề án: cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình, đề án, dự án khác. Phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tham mưu quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác cho ngư dân. Tiếp tục tham mưu chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.

Đối với lĩnh vực bảo tồn, cần nhân rộng các mô hình bảo tồn hiệu quả. Tăng cường các hoạt động bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản để đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó mục tiêu 6% diện tích khu bảo tồn biển.

Triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EV-FTA, UKV-FTA, RCAP) có hiệu quả đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững. Triển khai hiệp định UNSFA, PSMA theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Đẩy mạnh hợp tác đa phương, tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương để tiếp cận các chính sách mới của quốc tế, khu vực; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi.

Tiếp tục tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Chuẩn bị đón đoàn công tác của EC sang làm việc về các nội dung liên quan đến IUU. Xây dựng hoàn thành, tổ chức thực hiện/hướng dẫn tổ chức thực hiện các quy hoạch, Chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác