Nông nghiệp Việt Nam - lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số (16-09-2021)

Ngày 16/9/2021, Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 đã được tổ chức trực tuyến trên nền tảng số của Báo điện tử VnExpress với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”.
Nông nghiệp Việt Nam - lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã rất vui mừng khai mạc “Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021”. Diễn đàn đã nhận được sự tham dự đông đảo của hơn 1.300 đại biểu từ hơn 900 điểm cầu trên khắp Việt Nam và hơn 35 quốc gia trên thế giới; trong đó, đại diện từ các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế - xã hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, và các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài… Thành phần đa dạng của các đại biểu cũng là tín hiệu rất tích cực cho thấy ngành Nông nghiệp và quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 tiếp tục khẳng định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao thì Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên, cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã xác định trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, logistic… Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn có vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong nước mà đã vươn lên thành một ngành kinh tế năng động, tham gia sâu vào hội nhập quốc tế và là ngành xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, áp lực gia tăng dân số toàn cầu, yêu cầu càng cao của thị trường, về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản thực phẩm, môi trường sinh thái. Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, gắn với thị trường quốc tế, có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao.

Chuẩn bị cho sự bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 với những tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội càng cho thấy tầm quan trọng an ninh lương thực và vai trò của nông nghiệp. Các khó khăn thách thức do đại dịch cũng đã gia tăng nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân về sự cấp thiết của việc đưa công nghệ thông minh và nền tảng số vào nông nghiệp để bảo đảm sự ổn định, thông suốt của chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Trước các cú sốc, Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng cần chuẩn bị nền tảng vững chắc cho sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ trưởng, Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 nhằm mục đích thảo luận, thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng thông minh, số hóa, kết nối với thị trường quốc tế trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh, khó lường, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch toàn cầu. Tham dự diễn đàn có đông đảo các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế. Đây là những chủ thể có vai trò quan trọng đối với ngành Nông nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hy vọng Diễn đàn là hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các địa phương, doanh nghiệp ở trong nước và các đối tác nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở đó, nhận diện những cơ hội hợp tác mới. Từ đó có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của Việt Nam. Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ Ngoại giao. Phát huy vai trò mạng lưới của 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, Bộ Ngoại giao đã luôn chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp ở trong nước với các đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sau nhiều năm đồng hành đã trở thành đối tác thân thiết, được các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước tín nhiệm gọi là “những đại sứ của nông dân”.

Trong năm 2021, khắc phục các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hợp tác nông nghiệp. Gần đây nhất là tọa đàm về tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Hala Việt Nam (ngày 10/8/2021) và hội thảo hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Châu Phi (ngày 9/9/2021). Để chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19, với tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, tham gia các xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Nông nghiệp và Chuyển đổi số.

Vì một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Tham dự Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Chuyển đổi số là việc làm bức thiết mà ngành Nông nghiệp phải làm, và phải làm nhanh, tiếp cận nhanh. Bởi vì, từ Nghị quyết của Đảng cho đến chương trình hành động của chính phủ đều xác định Việt Nam tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số - 03 trụ cột đó sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tăng trưởng từng ngành, sự vận hành xã hội sẽ tạo ra một bước ngoặt, đi vào chiều sâu và thích hợp nền kinh tế tri thức, đem lại sự phát triển vượt bậc, giúp Việt Nam tăng tốc.

Diễn đàn này cũng như các mô hình do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), triển lãm ảo về những thành tựu, những mô hình chuyển đổi số sẽ tạo ra sức hút trong xã hội để mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức thấy rằng chuyển đổi số sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Do đó, không thể chần chừ, do dự, bỏ lỡ thời cơ mà cả thế giới đang vận hành. Bối cảnh thời đại ngày nay luôn luôn biến động, bất định, phức tạp, thậm chí có phần mơ hồ. Đại dịch Covid-19 chính là minh chứng cho sự phức tạp, bất định, biến động và mơ hồ đó.

Như vậy, nền nông nghiệp cần phải thích ứng với bối cảnh thời đại. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 03 thách thức lớn: Một là biến đổi khí hậu; Hai là biến động thị trường, giãn cách xã hội là một dạng biến động thị trường, đứt gãy chuỗi ngành hàng thế giới cũng là một dạng biến động thị trường; Ba là biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới, bây giờ ngoài sản phẩm hữu hình, người tiêu dùng còn dựa vào cả các yếu tố vô hình. Chúng ta đang sống trong “nền kinh tế xanh”. Ở những nước phát triển (như châu Âu) bây giờ còn đưa ra “tiêu chí tiêu dùng xanh”, tức là sản phẩm được sản xuất từ một nền nông nghiệp sạch, không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính… Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích nghi với xu thế tiêu dùng của thế giới. Cụ thể là, hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm hữu hình (trái cam, trái xoài, hạt gạo) phải ẩn chứa sau đó là quy trình sản xuất xanh, sạch.

Trước đây, Việt Nam chú trọng sản xuất sản phẩm rồi tìm thị trường tiêu thụ. Bây giờ, Việt Nam nghiên cứu nhu cầu thị trường để quyết định sản xuất sản phẩm. Đây thực sự là một thách thức lớn, vì mỗi thị trường lại đòi hỏi một khác, hết sức khắt khe, không có một chuẩn mực chung cho tất cả các thị trường đối với các sản phẩm nông sản (bao gồm những đòi hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật…). Ngay tại cùng một thị trường thì đòi hỏi của năm sau đã khác năm trước nên Việt Nam sẽ phải liên tục cập nhật và thay đổi. Tuy nhiên, vẫn tuân theo nguyên tắc: Bắt đầu từ thị trường để quyết định sản xuất.

Thách thức này cũng chính là thời cơ để Việt Nam chuyển đổi một nền nông nghiệp minh bạch hơn, trách nhiệm hơn, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Muốn vậy thì nông nghiệp Việt Nam cần phải chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mang hàm lượng tri thức cao, trong đó có kinh tế số. Phấn đấu vì một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị (truyền thống, lịch sử, văn hóa, tài nguyên bản địa), dựa trên khoa học công nghệ, dựa trên đổi mới, sáng tạo, và dựa trên chuyển đổi số, tạo dựng nên thương hiệu nông sản Việt Nam. Nếu xác định được như vậy thì cho dù tại bất cứ vùng quê nào cũng có thể tích hợp đa giá trị nhằm chuyển các yếu tố vô hình thành các giá trị hữu hình (chứ không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng như hiện nay). Từ đó, giúp nền kinh tế nông nghiệp phát triển, hình thành nên nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, hai phiên chuyên đề với chủ đề "Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam" và "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa Nông nghiệp Việt Nam" cũng đã được tổ chức với sự tham gia của các đại diện Bộ, ban ngành, các chuyên gia Nông nghiệp cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Thông qua hai phiên chuyên đề này, những vấn đề về thực trạng tình hình Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam cũng như những bài học kinh nghiệm đã được đưa ra thảo luận nhằm giúp doanh nghiệp nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung tìm ra phương hướng, giải pháp, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam. Cũng thông qua “Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021”, các bên đã cùng nhau nghiên cứu, đề xuất phương án tiếp cận các thị trường tiềm năng với mục tiêu “Nông nghiệp Việt Nam - Bếp ăn an toàn của thế giới”.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác