Đồng Tháp: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (31-07-2021)

Thực hiện Quyết định số 39QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 30/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030,  tầm nhìn đến năm 2050
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Về thể chế, chính sách

Thực hiện rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai… đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhất là xử lý các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cho phòng chống thiên tai, vận hành Quỹ phòng chống thiên tai, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất đối với người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai.

Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách, kỹ năng về phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với cộng đồng và người dân vào chương trình đào tạo, hoạt động ngoại khóa trong một số cấp học, bậc học, các sự kiện văn hóa cấp xã, ấp.

Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong việc lập kế hoạch, phương án, phòng chống thiên tai cấp xã; xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai cấp xã và doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn

Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả để chỉ đạo, chỉ huy điều hành kịp thời công tác phòng, chống thiên tai. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai; đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai; nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, ưu tiên công nghệ dự báo sạt lở đất. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ đảm bảo phục vụ chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai, tích hợp, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích, tính toán, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, gắn với việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội

Triển khai việc rà soát, đánh giá lại hệ thống đê bao, bờ bao, phương án phòng chống sạt lở bờ sông, phương án chuyển đổi sản xuất. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo kiểm soát lũ, phát triển sản xuất bền vững, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; xây dựng, cập nhập phương án ứng phó tương ứng với từng loại hình thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai. Chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phù hợp với phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “04 tại chỗ”. Tổ chức diễn tập, tập huấn theo từng phương án ứng phó; phối hợp, hiệp đồng các lực lượng trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ cho doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân địa phương.

Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng thiên tai

Đầu tư củng cố, nâng cấp, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp uy hiếp nghiêm trọng công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạn tầng quan trọng. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới tất cả các địa phương. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nhà ở phù hợp, nâng cấp nhà ở an toàn, chủ động ứng phó với lũ, bão, sạt lở, dốc, sét, nước biển dâng đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai: bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông gắn với xây dựng nông thôn mới, những nơi chưa thể di dời được cần lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; từng bước giải tỏa công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn ven sông, kênh, rạch, sắp xếp lại dân cư để phòng chống sạt lở, bảo đảm thoát lũ.

Khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai và chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công để chia sẻ thông tin, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo về lũ, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác