Toàn ngành Nông nghiệp quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ (18-05-2021)

Một số chỉ tiêu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra trong quý II như sau: Tăng trưởng GDP đạt 103,74%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 9,7 tỷ USD. Về chỉ tiêu sản xuất liên quan đến lĩnh vực Thủy sản: Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản cần đạt 2,4 triệu tấn. Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong bối cảnh và yêu cầu mới, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Toàn ngành Nông nghiệp quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ
Ảnh minh họa

Bộ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất, đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm; phối hợp với các cơ quan, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng nông sản góp phần duy trì ổn định thị trường trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, duy trì xuất khẩu. Toàn ngành quyết tâm, nỗ lực cao nhất để đạt các mục tiêu tại Kế hoạch phát triển ngành năm 2021; cùng với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Cụ thể nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực Thuỷ sản như sau: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Tổ chức 02 Hội nghị phát triển ngành hàng cá tra và tôm năm 2021; Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến tiêu thụ hải sản năm 2021. Theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC. Tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện việc công bố mở cảng cá theo Luật Thủy sản 2017; chuẩn bị công bố cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Công bố danh sách cảng cá cho phép tàu hoạt động vùng khơi cập cảng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án nâng cao giá trị sản phẩm hải sản khai thác.

Bên cạnh đó, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung về chống đánh bắt IUU tại Bà Rịa - Vùng Tàu, Tiền Giang. Xúc tiến thương mại thị trường trong nước: Tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19; Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu để có các giải pháp phù hợp.

Xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu; Chuẩn bị tổ chức Hội thảo trao đổi các quy định về Hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA. Chuẩn bị tổ chức Hội thảo trao đổi phổ biến thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam-Trung Quốc (dự kiến vào tháng 6/2021); Xây dựng, in ấn sổ tay Phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại, định hướng xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hóa trong lĩnh vực SPS đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản các dự thảo quy định SPS mới của các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.

Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Brazil... trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Phối hợp với một số Báo, Đài cập nhật phổ biến pháp luật và quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; Triển khai các dự án quốc tế về an toàn thực phẩm với Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Ailen. Tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thủy sản nuôi; vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; sản phẩm nông, thủy sản chế biến. Tổ chức thanh tra đột xuất; Căn cứ kết quả giám sát, đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2021 được giao, hoàn thành đưa vào vận hành sử dụng công trình đúng thời hạn, đặc biệt các dự án quan trọng, quy mô lớn nhằm góp phần tác động đến tăng trưởng, phục vụ cho sản xuất cũng như phòng chống thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương/ đa phương; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác