Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai tại Việt Nam (04-05-2021)

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, để phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai tại Việt Nam

Quyết định này áp dụng đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai. Theo đó, có tổng cộng 10 loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin, như sau:

(1) Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120°Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05°Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23°Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I của Quyết định này) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới. (2) Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II Quyết định này); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam. (3) Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam. (4) Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam. (5) Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam. (6) Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam. (7) Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam. (8) Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam. (9) Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam. (10) Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Xác định cấp độ rủi ro thiên tai

Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Cấp độ rủi ro thiên tai do Áp thấp nhiệt đới, bão/ Nước dâng/ Mưa lớn/ Lũ, ngập lụt/ Lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy/ Nắng nóng/ Hạn hán hoặc sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán/ Xâm nhập mặn/ Gió mạnh trên biển/ Sương mù/ Lốc, sét, mưa đá/ Rét hại, sương muối/ Cháy rừng do tự nhiên/ Động đất/ Sóng thần: quy định tại các điều từ Điều 42 đến Điều 56 của Quyết định này.

Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai. Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai (Phụ lục XII Quyết định này). Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai. Đặc biệt trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp (cao nhất là cấp 5).

Liên quan đến hoạt động sản xuất thủy sản

Trong 40 khái niệm/ định nghĩa được liệt kê trong Quyết định này, có một số khái niệm/ định nghĩa liên quan đến hoạt động sản xuất thủy sản (như: Áp thấp nhiệt đới; Bão; Hiện tượng nước biển dâng; Hạn hán; Xâm nhập mặn; Lũ; Lũ lịch sử; Lũ đặc biệt lớn; Lũ bất thường; Lũ quét; Mùa lũ; Ngập lụt; Sạt lở đất; Sụt lún đất; Sóng thần; Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần…) với các thông tin chi tiết như sau: “Bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ” là khi tâm bão/ tâm áp thấp nhiệt đới đã vào đất liền; “Bão hoặc áp thấp nhiệt đới tan” là bão/ áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6; “Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới” là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra;

“Sóng lớn” là những con sóng trên biển có độ cao từ 2m trở lên; “Nắng nóng” là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 35°C; “Hạn hán” là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước; “Xâm nhập mặn” là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt; “Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần” là vùng biển nông ven bờ và vùng đất nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới; “Tình trạng khẩn cấp về thiên tai” là tình huống khi các loại thiên tai ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 5 (có khả năng gây thảm họa, thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái)…

Dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

Bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới” được ban hành với 07 nội dung sau: Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp; Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền; Tin nhanh về áp thấp nhiệt đới; Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới; Tin sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới. Trong đó, “Tin nhanh” được ban hành khi phát tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp hoặc những trường hợp áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp.

Tương tự, “Bản tin dự báo, cảnh báo bão, sóng lớn, nước dâng do bão” cũng được ban hành với 07 nội dung sau: Tin bão gần Biển Đông; Tin bão trên Biển Đông; Tin bão khẩn cấp; Tin bão trên đất liền; Tin nhanh về bão; Tin cuối cùng về bão; Tin sóng lớn, nước dâng do bão. Trong 07 bản tin về bão thì “Tin nhanh” được ban hành khi phát tin bão khẩn cấp hoặc những trường hợp bão diễn biến phức tạp.

Tần suất ban hành các bản tin dự báo/ cảnh báo

Tin bão gần Biển Đông/ Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông/ Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Mỗi ngày ban hành 4 bản tin chính; Trường hợp áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp, sẽ bổ sung một số bản tin xen kẽ; Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp/ Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền/ Tin bão trên Biển Đông/ Tin bão khẩn cấp/ Tin bão trên đất liền: Mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính; Trong thời gian có tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, tin bão khẩn cấp và những trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, ngoài 8 bản tin chính, sẽ ban hành bổ sung một số bản tin xen kẽ; Tin nhanh áp thấp nhiệt đới, bão: Cập nhật hằng giờ (trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn).

Ngoài ra, các tin như “Tin cảnh báo nắng nóng” được ban hành khi phát hiện nắng nóng có khả năng xảy ra trước 48 giờ; “Tin dự báo nắng nóng” được ban hành khi phát hiện nắng nóng có khả năng xảy ra trước 24 giờ; “Tin dự báo, cảnh báo hạn hán và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán” được ban hành khi phát hiện có khả năng xảy ra trong khu vực dự báo; “Tin cảnh báo xâm nhập mặn” được ban hành khi phát hiện có khả năng xảy ra xâm nhập mặn trong khu vực cảnh báo; “Tin dự báo xâm nhập mặn” được ban hành khi xuất hiện xâm nhập mặn trong khu vực dự báo.

Về nội dung, đối với “Tin cảnh báo xâm nhập mặn”: Tiêu đề tin kèm theo tên lưu vực sông hay khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn; Hiện trạng thủy văn, diễn biến thủy triều trên lưu vực được cảnh báo; Cảnh báo các khu vực có khả năng xảy ra xâm nhập mặn với độ mặn 1‰ hoặc 4‰ trở lên sâu trong nội đồng; Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn (theo quy định tại Điều 4 và Điều 49 Quyết định này).

Đối với “Tin dự báo xâm nhập mặn”: Tiêu đề tin kèm theo tên lưu vực sông hay khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn; Hiện trạng thủy văn, diễn biến thủy triều và xâm nhập mặn trên lưu vực được dự báo: độ mặn cao nhất tại các vị trí dự báo, khoảng cách chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn với độ mặn 4‰ hoặc 1‰ tính từ cửa sông chính; Dự báo: độ mặn cao nhất, thời gian xuất hiện tại các vị trí; phạm vi, thời gian chịu ảnh hưởng của độ mặn 4‰ hoặc 1‰; khoảng cách chịu ảnh hưởng của độ mặn 4‰ hoặc 1‰ trở lên tính từ cửa sông chính.

Ngoài ra, Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ việc ban hành Bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng, sương mù/ Bản tin dự báo, cảnh báo lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối/ Bản tin dự báo, cánh báo cháy rừng do tự nhiên/ Bản tin động đất/ Bản tin cảnh báo sóng thần; Trong đó “Tin cảnh báo sóng thần” được báo theo 3 mức để khuyến cáo sẵn sàng sơ tán (hoặc phải sơ tán ngay lập tức).

Truyền tin về thiên tai

Việc truyền tin tình trạng khẩn cấp về thiên tai trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp trong các trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được cung cấp cho các cơ quan, tổ chức (quy định tại Phụ lục IV Quyết định này) trong thời gian chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm hoàn thành bản tin dự báo, cảnh báo gần nhất. Riêng các bản tin động đất, tin cảnh báo sóng thần: Phải cung cấp ngay sau khi hoàn thành.

Các tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại Điều 36, Điều 37 và Điều 38 Quyết định này được khuyến khích truyền phát các bản tin thiên tai chính thức do Đài Tiếng nói Việt Nam/ Đài Truyền hình Việt Nam đã phát (hoặc do các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 Quyết định này cung cấp).

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Quyết định 18/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác