Triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam (05-03-2021)

Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020”với mục đích xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.  
Triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam

Cụ thể là: Luật Biên phòng Việt Nam số 66/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 11 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Ngày 02 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 286/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020”; Theo đó, yêu cầu: (1) Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. (2) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. (3) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện để bảo đảm từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 Luật Biên phòng Việt Nam được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Theo “Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020”, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương sẽ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam. Thời gian hoàn thành là tháng 6 năm 2021.

Cơ quan chủ trì là Bộ Quốc phòng, làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan phối hợp thực hiện là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách và điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tổng hợp gửi Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong tháng 9 năm 2021 trình Chính phủ 02 Nghị định sau: (1) Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 27); (2) Quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 2 Điều 22).

Đồng thời, Bộ Quốc phòng phải hoàn thành xây dựng 02 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tháng 11 năm 2021: (1) Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc quyền trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; phối hợp giữa bộ đội biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 29); (2) Thông tư quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 3 Điều 19).

Xây dựng các Đề án/ Dự án triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam

“Đề án Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết”: Trong tháng 9 năm 2021, Bộ Quốc phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án này. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc tập huấn chuyên sâu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật phải thiết thực, hiệu quả, sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng phối hợp tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật cho cán bộ lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cán bộ chủ trì các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, bộ đội biên phòng cấp tỉnh; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Luật.

Theo đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành được triển khai bằng các hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, phù hợp cho từng đối tượng nhằm thống nhất nhận thức và trách nhiệm xây dựng bộ đội biên phòng, biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa.

“Đề án xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới”: Trong tháng 9 năm 2021, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có biên giới quốc gia.

“Dự án Tăng cường lực lượng; nâng cao năng lực; sửa chữa, trang bị, nâng cấp phương tiện chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của bộ đội biên phòng giai đoạn 2021-2025”: Trong tháng 9 năm 2021, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án này. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo: Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. Tài liệu phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật, gồm: (1) Luật Biên phòng Việt Nam; (2) Tập hệ thống văn bản pháp luật về Biên phòng; (3) Sách hỏi, đáp về Luật Biên phòng Việt Nam; (4) Tập đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam; (5) Sổ tay chiến sĩ bộ đội biên phòng.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Kế hoạch, bảo đảm việc triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Quyết định 286/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 02 tháng 3 năm 2021.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác