Giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển (26-02-2021)

Ngày 10 tháng 02 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển
Ảnh minh họa

Nghị định áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Theo đó, quy định việc giao các khu vực biển nhất định (từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam) cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP, “giao khu vực biển” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một hoặc nhiều khu vực biển nhất định (trong khoảng thời gian xác định) để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật là “Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển” được cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định hình thức giấy phép thì văn bản cho phép tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển là một trong các hình thức văn bản sau: Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật; Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản hoặc Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cá nhân Việt Nam thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản; Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Văn bản khác cho phép tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo quy định của pháp luật.

05 nguyên tắc giao khu vực biển

(1) Đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. (2) Đảm bảo phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. (3) Đảm bảo phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. (4) Đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. (5) Trong một vùng biển có thể giao cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc nhiều mục đích sử dụng nhưng không được mâu thuẫn với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép tiến hành.

04 căn cứ để giao khu vực biển

(1) Nhu cầu sử dụng khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển của tổ chức, cá nhân. (2) Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. (3) Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Hoặc một trong các quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ưu tiên theo thứ tự sau đây: Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. (4) Trong trường hợp chưa có các quy hoạch nêu trên, việc xác định vị trí, ranh giới, diện tích để giao khu vực biển phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị định này.

Thời hạn giao khu vực biển

Thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đơn đề nghị giao khu vực biển, dự án đầu tư, thời hạn ghi trên văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng không quá 30 năm; Đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển). Đặc biệt là, thời hạn giao khu vực biển có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm.

Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển

Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển bao gồm: (1) Đơn đề nghị giao khu vực biển theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này; (2) Bản sao văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; (3) Bản sao một trong các văn bản sau: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, văn bản xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có quy định); (4) Sơ đồ khu vực biển đề nghị giao, trong đó thể hiện tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này.

Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật thủy sản bao gồm: (1) Đơn đề nghị giao khu vực biển theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này; (2) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân; (3) Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép cá nhân Việt Nam chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cá nhân Việt Nam thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản.

Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ bao gồm: (1) Đơn đề nghị giao khu vực biển theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này; (2) Bản sao văn bản cho phép, giao nhiệm vụ hoặc quyết định phê duyệt thuyết minh, đề cương thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản và nhiệm vụ khoa học, công nghệ biển khác có sử dụng diện tích khu vực biển cố định; (3) Sơ đồ khu vực biển đề nghị giao, trong đó thể hiện tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này.

Nộp tiền sử dụng khu vực biển

Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp quy định tại Điều 31 Nghị định này. Tiền sử dụng khu vực biển được xác định căn cứ vào phân loại các hoạt động sử dụng khu vực biển, diện tích khu vực biển được phép sử dụng, thời hạn sử dụng khu vực biển và mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể. Tiền sử dụng khu vực biển đối với hoạt động nhận chìm ở biển được xác định căn cứ vào khối lượng vật, chất nhận chìm được tính theo đơn vị m3 (mét khối). Tiền sử dụng khu vực biển là một khoản thu của ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tiền sử dụng khu vực biển được nộp ngân sách trung ương đối với trường hợp giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, được nộp ngân sách địa phương đối với trường hợp giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Khung giá tiền sử dụng khu vực biển và mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể như sau: Các hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển được phân thành 6 nhóm theo mục đích sử dụng với khung giá tiền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cảng cá (nhóm 5) từ 4.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm. Tiền sử dụng khu vực biển được tính từ thời điểm Quyết định giao khu vực biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành. Hình thức trả tiền sử dụng khu vực biển theo đề xuất của tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển. Hình thức trả tiền và số tiền sử dụng khu vực biển phải nộp tương ứng với từng hình thức được ghi cụ thể trong Quyết định giao khu vực biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển quyết định và thể hiện tại Quyết định giao khu vực biển.

Trừ trường hợp sử dụng khu vực biển để nhận chìm, tổ chức, cá nhân được lựa chọn một trong 03 hình thức trả tiền sử dụng khu vực biển sau đây: (1) Trả tiền sử dụng khu vực biển hằng năm; (2) Trả tiền sử dụng khu vực biển một lần trong 5 năm; (3) Trả tiền sử dụng khu vực biển một lần cho cả thời hạn được giao đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết (tại khoản 5 Điều 35) cho trường hợp tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản lựa chọn hình thức “trả tiền sử dụng khu vực biển một lần cho cả thời hạn được giao khu vực biển”. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Nghị định này và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 46 và Điều 47 Luật thủy sản2017.

Những trường hợp không phải nộp tiền sử dụng biển

(1) Sử dụng khu vực biển làm vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, các công trình phụ trợ khác để phục vụ lợi ích công cộng và các kết cấu hạ tầng hàng hải khác được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng. (2) Sử dụng khu vực biển được quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật thủy sản. (3) Sử dụng khu vực biển cố định để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. (4) Sử dụng khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét của vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ khác để phục vụ lợi ích công cộng và các kết cấu hạ tầng hàng hải khác. (5) Sử dụng khu vực biển để xây dựng, lắp đặt, vận hành các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. (6) Sử dụng khu vực biển cho các khu bảo tồn biển, khu vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2021.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác