Cần Thơ: Khai thác, nuôi trồng đạt khá; Trái lại, dịch Covid-19 khiến xuất khẩu không đạt kế hoạch năm (19-01-2021)

Năm 2020, sản xuất thủy sản của Cần Thơ đạt khá; sản lượng khai thác đạt 100% kế hoạch năm; sản lượng nuôi trồng vượt 11% kế hoạch năm, trong đó, sản lượng cá tra vượt 8% kế hoạch năm. Trái lại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất khẩu không mấy khả quan.
Cần Thơ: Khai thác, nuôi trồng đạt khá; Trái lại, dịch Covid-19 khiến xuất khẩu không đạt kế hoạch năm

Trong năm, Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản của 08 cơ sở với kết quả “đạt yêu cầu theo quy định”; Kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của 16 cơ sở với kết quả “đạt yêu cầu theo quy định”. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, đánh giá, xếp loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng được Cần Thơ thực hiện tốt; đã thẩm định 53 vùng nuôi trồng thủy sản của 39 cơ sở về điều kiện đảm bảo ATTP với kết quả “06 vùng nuôi đạt loại A và 47 vùng nuôi đạt loại B”. Ngoài ra, cấp 54 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Tổ chức sát hạch xác nhận kiến thức về ATTP cho 26 hộ kinh doanh, 03 doanh nghiệp và 10 cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ với 148 người lao động tham gia sát hạch, đạt yêu cầu 100%.

Để triển khai Kế hoạch thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, Cần Thơ đã tổ chức thực hiện thả cá bản địa về tự nhiên tại 04 điểm với tổng số 100.000 con cá giống bản địa các loại và 20 con cá hô về môi trường tự nhiên, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chi cục Thủy sản phối hợp với các quận/huyện trên địa bàn đã triển khai 100 đợt tuần tra công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn TP. Cần Thơ, vận động 48 tổ chức/cá nhân khai thác thủy sản tự nguyện cam kết không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản tự nhiên.

Thực hiện Kế hoạch thanh tra lĩnh vực thủy sản về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, đã tổ chức 02 đợt thanh tra chuyên ngành 65 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 27 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, mua bán giống thủy sản về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Qua thanh tra, các cơ sở nuôi chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực thủy sản (cung cấp các hồ sơ như Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nhật ký nuôi trồng thủy sản, hồ sơ mua giống thủy sản).

Kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản

Năm 2020, diện tích thả nuôi thủy sản đạt 8.926 ha, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2019 (9.954 ha), vượt 9% so với kế hoạch năm (8.200 ha), diện tích thu hoạch là 8.735 ha với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 220.357 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019 (220.839 tấn), vượt 11% so với kế hoạch năm (198.600 tấn). Sản lượng khai thác 2.400 tấn, bằng 60% so với cùng kỳ (4.000 tấn), đạt 100% so với kế hoạch năm (2.400 tấn). Tính chung tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đến cuối năm 2020 của TP. Cần Thơ đạt 222.757 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ (224.839 tấn), vượt 11% so với kế hoạch năm (201.000 tấn).

Diện tích thả nuôi cá tra 729 ha, bằng 92% so với cùng kỳ (790 ha), bằng 98% so với kế hoạch năm (745 ha), diện tích thu hoạch là 570 ha, sản lượng thu hoạch là 179.476 tấn, tương đương so với cùng kỳ (178.834 tấn), vượt 8% so với kế hoạch năm (165.465 tấn), đạt năng suất 315 tấn/ha. Các cơ sở nuôi cung cấp nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến trong những tháng đầu năm từ đủ cho đến dư (do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19). Diện tích ương cá tra giống đạt 430 ha, bằng 71% so với cùng kỳ (603 ha), đạt 86% so với kế hoạch năm (500 ha), diện tích thu hoạch đạt 411 ha với sản lượng thu hoạch 3.944 tấn.

Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài nên người nuôi gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, quản lý cá nuôi đặc biệt là đối với khâu sản xuất giống nên tỷ lệ hao hụt trong 1 vụ ương khá cao 30% - 50% (thậm chí có trường hợp hao hụt 100%).

Toàn thành phố có 117 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (các đối tượng như: tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá thát lát, cá rô đồng, cá trê lai, cá rô phi, cá chép, cá sặc rằn); Trong đó có 28 cơ sở sản xuất tôm giống và 89 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống. Năm 2020, sản xuất được 145 triệu cá giống các loại; 202 triệu cá bột các loại và 632 triệu tôm post trong đó: Cá tra 107,2 triệu con giống và 192 triệu con bột; Cá khác 37,8 triệu con giống và 10 triệu con bột; Tôm sú 200 triệu post; Tôm càng xanh 62 triệu post; Tôm thẻ 370 triệu post.

Về sản lượng thủy sản xuất khẩu: Trong 11 tháng đầu năm đạt 141 ngàn tấn, bằng 94% so với cùng kỳ (150 ngàn tấn), đạt 52% so với kế hoạch năm (274 ngàn tấn) với kim ngạch 469 triệu USD, bằng 84% so với cùng kỳ (560 triệu USD), đạt 50% so với kế hoạch năm (945 triệu USD). Ước đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản là 511 triệu USD đạt 54% kế hoạch năm.

Đối với nuôi thương phẩm, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, thành phố Cần Thơ đã áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt, quy trình nuôi tiên tiến, các biện pháp nuôi đảm bảo an toàn môi trường, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả nuôi như áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, BAP, BMP, ASC... Tính đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo các tiêu chuẩn của TP. Cần Thơ đạt 339 ha, bao gồm: 325,25 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,75 ha BAP+ASC (trong đó có 3,85 ha ASC).

Xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, Chi cục Thủy sản hỗ trợ cho 20 cơ sở nuôi cá tra theo kế hoạch “Hỗ trợ cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)” ở quận Thốt Nốt với tổng diện tích 50 ha. Kết quả các hộ nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Cần Thơ đang phát triển mô hình nuôi cá lồng bè với đối tượng nuôi là cá sát sọc. Đây là một đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng đối tượng nuôi. Hơn nữa, đối tượng này chủ yếu dùng thức ăn công nghiệp nên thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý. Năng suất bình quân 33-45 kg/m3, giá thành 60.000-65.000 đồng/kg, với giá bán 95.000-105.000 đồng/kg thì người nuôi có lãi khoảng 35.000-40.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi thủy đặc sản và cá cảnh không những đa dạng hóa đối tượng nuôi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, đồng thời mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi thủy sản.

Với xu hướng gia nhập thị trường thế giới, sản phẩm sạch, sản phẩm cao cấp của hệ thống nuôi tại Cần Thơ sẽ góp phần cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng cho thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Đánh giá kết quả năm 2020

Nhìn chung, trong năm 2020, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; Trình độ tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất của nông dân ngày càng được nâng cao. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Giống thủy sản cấp vùng đang xúc tiến để đưa vào hoạt động sẽ giúp ngành Thủy sản Cần Thơ phát huy tiềm năng và thế mạnh trong việc cung ứng các chủng loại giống thủy sản đầu dòng có chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống, cung ứng con giống đáp ứng nhu cầu người nuôi. Bên cạnh đó, công tác quản lý nghề nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản từng bước đi vào nề nếp. Có sự chuyển dịch mạnh mẽ và đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cần Thơ đã hình thành hệ thống vùng nuôi đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm rộng lớn, đáp ứng các điều kiện của thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bị tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất - tiêu thụ bị gián đoạn, giá bán thủy sản giảm thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi. Cùng với việc chất lượng giống thủy sản di nhập chưa được kiểm soát tốt (chất lượng thấp nên tỷ lệ hao hụt cao, từ 30 – 50%). Nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản ngày càng suy giảm về chất lượng (do ô nhiễm từ chất thải công nghiệp chưa được xử lý triệt để; ô nhiễm do hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật của canh tác nông nghiệp) kết hợp với diễn biến khí hậu do xâm nhập mặn và mưa nắng bất thường đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Mạng lưới phân phối vật tư đầu vào tiếp thị sản phẩm đến tận hộ nuôi gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Sang năm 2021, Cần Thơ đã xác định mục tiêu phấn đấu “Phát triển thủy sản theo hướng ổn định và bền vững”. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, toàn thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt các công tác như: Quản lý chất lượng giống thủy sản; Đẩy mạnh các hình thức nuôi hiệu quả; Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; Kêu gọi đầu tư công nghệ...

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác