Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (17-12-2020)

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, niềm tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu: (1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; (2) GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; (3) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; (4) Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; (5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; (6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; (7) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế khoảng 91%; (8) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; (9) Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; (10) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; (11) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; (12) Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí...) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không... và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Có giải pháp, chính sách thích hợp để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước; trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Chủ động, tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất phát triển của từng địa bàn; khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi ở khu vực đô thị.

nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, theo hướng tập trung nguồn lực cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đối với ngành Nông nghiệp: Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp phù hợp với từng vùng miền, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả và an ninh lương thực vững chắc; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, thiên tai để chủ động có các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng thủy sản, nâng cao năng lực sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tập trung cơ cấu lại và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề theo chiều sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin. Phát triển thương mại điện tử, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển của thời kỳ mới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm; không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chú trọng phát huy nội lực kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật...

Có giải pháp hữu hiệu để đầu tư, tăng cường kết nối vùng, địa phương và phát triển nhanh, bền vững các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Tăng cường quản lý đô thị, tích cực xử lý các vấn đề giao thông, môi trường và rác thải đô thị. Bố trí nguồn lực phù hợp cho xây dựng Nông thôn mới. Phát triển mạnh Kinh tế biển, bảo đảm cuộc sống người dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển cả nước để tạo động lực phát triển. Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm, đầu tư hạ tầng các khu kinh tế ven biển được xác định ưu tiên phát triển.

Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể. Xây dựng các mô hình hợp tác xã điển hình, có quy mô và liên kết rộng rãi. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là, kết hợp hài hòa giữa Hiệu quả kinh tế với Trách nhiệm xã hội và Bảo vệ tài nguyên, môi trường, liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành/lĩnh vực chủ yếu. Có cơ chế phù hợp lựa chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới.

Ưu tiên nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở các địa bàn trọng yếu, nhất là ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; gia cố hệ thống đê xung yếu; đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp từ ngân sách nhà nước gắn với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung.

Ban hành chiến lược và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng. Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài, gây bức xúc xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống phức tạp trên biển.

Chủ động thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các nước và các đối tác. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương; tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phát huy tốt vai trò tích cực, đi đầu trong ASEAN. Tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19.

Quốc hội đã kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”, tạo đà thuận lợi triển khai “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”.

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác