Ngành Nông nghiệp: Bứt phá trong hai tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch (11-11-2020)

Tháng 10/2020, mưa bão liên tiếp xảy ra tại 06 tỉnh miền Trung, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất khu vực miền núi diễn ra nghiêm trọng. Tuy nhiên, toàn ngành đã khẩn trương phối hợp với Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo công tác ứng phó, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả; chỉ đạo các địa phương triển khai mọi biện pháp để đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại về sản xuất nông, lâm sản và thủy sản; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn cơ bản đảm bảo tiến độ.
Ngành Nông nghiệp: Bứt phá trong hai tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch

Về xuất - nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng ước đạt 59,15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước đặt 25,6 tỷ USD, giảm 1,5%; xuất siêu trên 7,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 9/2020; trong đó, giá trị xuất khẩu  nhóm nông sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD (giảm 4,5%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD (tăng 0,8%); thủy sản đạt 840 triệu USD (tăng 1,7%) và chăn nuôi đạt 29 triệu USD (giảm 5,5%). Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt 15,1 tỷ USD (giảm 1,6%); chăn nuôi ước đạt 256 triệu USD (giảm 21,4%); thủy sản ước đạt 6,9 tỷ USD (giảm 2,5%); lâm sản chính đạt trên 10,3 tỷ USD (tăng 13,3%). 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 25,6 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,5%. Những mặt hàng vẫn tăng giá trị nhập khẩu gồm: dầu mỡ động thực vật, lúa mì, cao su, ngô, đậu tương và chăn nuôi. Những mặt hàng giảm giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2019 là: phân bón giảm 8,6% (phân URE giảm 78,5%), thuốc trừ sâu giảm 22,0%, bông giảm 14,7%, hạt điều giảm 20,6%, rau quả giảm 32,3%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 6,5%, thủy sản giảm 1,7%.

Lĩnh vực sản xuất thủy sản: Tháng 10, sản lượng thủy sản ước đạt 786,9 nghìn tấn, giảm không đáng kể (1,1%) so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 10 tháng, tổng sản lượng thủy sản xấp xỉ 7 triệu tấn, tăng nhẹ (1,3%) so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 10 đạt 310,8 nghìn tấn, giảm 0,3% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng, sản lượng đạt trên 3,2 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, khai thác biển đạt khoảng 3,07 triệu tấn, tăng 1,8%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 ước đạt 476,1 nghìn tấn, giảm 1,6% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng, sản lượng đạt xấp xỉ 3,7 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ; Trong đó, sản lượng cá các loại ước đạt trên 2,6 triệu tấn, giảm 0,9% (cá tra đạt trên 1,1 triệu tấn, giảm 7,1%); sản lượng tôm các loại đạt 748,2 nghìn tấn, tăng 4,9% (tôm sú đạt 230,4 nghìn tấn, giảm 1,0%; tôm thẻ chân trắng đạt 471 nghìn tấn, tăng 15,2%).

Trong tháng 10, toàn ngành đã tập trung hoàn thành tốt công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai do bão, lũ tại các tỉnh miền Trung; Đặc biệt đã chủ động tiến hành thu hoạch sớm, tiêu nước đệm, hướng dẫn người dân các kỹ thuật phòng tránh nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.

Những tháng cuối năm, dự kiến tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến khó lường; việc tiêu thụ nông sản (nhất là xuất khẩu) sẽ tốt hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, theo dõi sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; thúc đẩy sản xuất, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (đặc biệt là đối với sản xuất lúa, chăn nuôi lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ); đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường…

Toàn ngành tập trung bứt phá trong hai tháng cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch; Cụ thể là phấn đấu đạt được các mục tiêu sau: Lúa 43,37 triệu tấn; Thịt các loại 5,4 triệu tấn; Thủy sản 8,42 triệu tấn; Khai thác gỗ 16,74 triệu m3; Xuất khẩu 41 tỷ USD.

Trong hai tháng 11 và 12/2020, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... ). Thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thị trường, phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ các ngày Lễ, Tết cuối năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm trong thủy sản nuôi; vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; sản phẩm nông, thủy sản chế biến. Căn cứ kết quả giám sát, đề xuất biện pháp xử lý; tổ chức thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực, vận động các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018; nhân rộng, mở rộng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Brazil... Cung cấp kịp thời, chính xác cho các Báo, Đài phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP và truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Về hợp tác quốc tế: Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; Làm việc với MPI về danh mục các dự án vận động tài trợ cho giai đoạn 2021-2025; Chuẩn bị nội dung kỳ họp UBLCP Việt Nam - Cuba lần thứ 38 và tiếp tục thúc đẩy chương trình hợp tác nông nghiệp và thủy sản với Cuba; Tiếp tục chuẩn bị xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - Đài Loan giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với lĩnh vực thuỷ sản, sẽ hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Phối hợp với địa phương, Hiệp hội để tháo gỡ khó khăn, phục hồi nuôi cá tra. Tổ chức sự kiện Lễ hội ẩm thực cá tra. Chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất trước diễn biến phức tạp về thời tiết (giao mùa, mưa lũ...); thông tin kịp thời về thị trường để người nuôi chủ động xuống giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Về khai thác thủy sản, sẽ tiến hành điều chỉnh hạn ngạch Giấy phép khai thác hải sản vùng khơi cho các địa phương; phê duyệt “Đề án nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác”. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Hiệp định Hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh Châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Tổ chức các đoàn kiểm tra về tình hình triển khai Chỉ thị số 45 tại các địa phương (Bến Tre, Tiền Giang). Tổ chức tuần tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan khai thác hải sản bất hợp pháp; tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua đường dây nóng, kịp thời tham mưu xử lý sự cố nghề cá trên biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tàu cá và ngư dân. Tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chuyển giao, tiếp nhận Chi cục Kiểm ngư Vùng I, Vùng V và sắp xếp, cơ cấu tổ chức của lực lượng kiểm ngư; Tổ chức các lớp tập huấn về chống khai thác IUU cho ngư dân…

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác