Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Khẩn trương - Nghiêm túc - Quyết liệt” thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (24-04-2020)

Ngày 22 tháng 4 năm 2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1456/BTP-PBGDPL; Theo đó, yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Khẩn trương - Nghiêm túc - Quyết liệt” thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 08/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2740/VPCP-PL về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 và các hành vi khác có liên quan; đồng thời, chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về một số tội phạm có liên quan, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.  

Ngày 22/4/2020 Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn 1456/BTP-PBGDPL đề nghị Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể Trung ương, Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể là: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về Phòng, chống  dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “Khẩn trương - Nghiêm túc - Quyết liệt”, trong đó chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nông dân, ngư dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu hướng dẫn nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tập trung về quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Dược năm 2016, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và chính sách, pháp luật mới của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (thuế, tài chính, cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp…

Đặc biệt là, chú trọng phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về cách ly y tế,  trách nhiệm của các cơ quan/ tổ chức/ cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; tình hình thi hành pháp luật và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống COVID-19 nói chung và một số hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng.

Về hình thức, các thông tin phòng, chống COVID-19 cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn, bảo đảm thiết thực; truyền tải đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật đến cán bộ, nông dân, ngư dân; tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số trong phổ biến giáo dục pháp luật (như: Phổ biến giáo dục pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; Tọa đàm, đối thoại pháp luật trực tuyến; Thông tin phổ biến qua mạng xã hội, mạng viễn thông…) để cán bộ, nông dân, ngư dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ trong Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch bệnh (phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tiễn); kịp thời tham mưu bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí) thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cần dự báo những vấn đề nóng (có thể phát sinh sau khi đại dịch này kết thúc) để chủ động tham mưu kịp thời cho các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt việc phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi kiểm soát tình hình tổ chức thi hành pháp luật trong tất cả các lĩnh vực mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác