Toàn ngành quyết tâm Tháo gỡ khó khăn cho nông dân (13-03-2020)

Để nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nông dân; đồng thời, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã lần lượt ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt.
Toàn ngành quyết tâm Tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Ảnh minh họa

Ngày 07 tháng 02 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã gửi đến các Bộ, ngành, cơ quan Công văn số 942/VPCP-QHĐP về việc “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân lần 2”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.

Ngày 18 tháng 02 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công văn số 1219/BNN-KH về việc “Giao nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân” đến các Tổng cục/ Vụ/ Cục/ Trung tâm để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 942/VPCP-QHĐP; khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nông dân, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các đơn vị chủ trì, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ.

Liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản: Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào lĩnh vực sản xuất giống, vật nuôi thương phẩm; Ưu tiên phát triển hạ tầng tại các khu nuôi tôm tập trung (đặc biệt là hệ thống thủy lợi, điện lưới); Đẩy nhanh việc tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Trung Quốc, Ả Rập - Xê út, Hoa Kỳ, EU… Tổ chức kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản thông qua kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (trong đó có chính sách cho vay đóng tàu cá); Tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để sớm được EU gỡ thẻ vàng; Đẩy mạnh và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia chuỗi liên kết sản xuất thủy sản; Tổ chức sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến; Tiếp cận và phát triển thị trường tiêu thụ (trong đó, đặc biệt chú ý việc quy hoạch vùng và liên kết vùng).

Vụ Kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào 03 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản (cá tra, tôm nước lợ), cây ăn trái và lúa gạo.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với cơ quan liên quan của Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường; kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối; Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp tự vệ đối với hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, hàng nông sản của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan của Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường”; Qua đó tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp, người nông dân biết để điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thị trường (tránh bị ép giá); Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai các giải pháp tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, bố trí nguồn kinh phí ngân sách hợp lý để thực hiện hỗ trợ hợp tác xã một cách thiết thực, hiệu quả; Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ngày 25 tháng 02 năm 2020, Tổng cục Thủy sản đã gửi Công văn số 315/TB-TCTS-VP đến các đơn vị thuộc Tổng cục để thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Trần Đình Luân về việc tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Cụ thể là, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 942/VPCP-QHĐP ngày 07/02/2020 và Công văn số 1219/BNN-KH ngày 18/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã giao các đơn vị thuộc Tổng cục triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế: Tham mưu cho Tổng cục/Bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất giống thủy sản, nuôi tôm thương phẩm, cá tra; Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Trung Quốc, Ả Rập - Xê út, Hoa Kỳ, EU...

Vụ Kế hoạch Tài chính: Tiếp tục rà soát, tham mưu cho Tổng cục để báo cáo Bộ ưu tiên các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu nuôi tôm tập trung (đặc biệt là hệ thống thủy lợi, điện lưới); Chủ trì, phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia chuỗi liên kết sản xuất thủy sản thông qua các yếu tố sản xuất (như: vốn, giống, thức ăn, khoa học và công nghệ); Tổ chức sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến; Tiếp cận và phát triển thị trường tiêu thụ (trong đó đặc biệt chú ý việc quy hoạch vùng và liên kết vùng); Chủ trì tham mưu, tổng hợp, trình Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản để báo cáo Bộ kết quả và tiến độ thực hiện (6 tháng, hàng năm).

Vụ Pháp chế Thanh tra: Chủ trì, phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản và các cơ quan thanh tra tổ chức kiểm soát chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đột xuất; xác định các nội dung quan trọng, có nguy cơ cao xảy ra vi phạm pháp luật để tập trung thanh tra, kiểm tra.

Vụ Khai thác thủy sản: Tham mưu cho Tổng cục/Bộ chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (trong đó lưu ý những vướng mắc trong chính sách tín dụng cho vay vốn đóng tàu cá); Khẩn trương đề xuất các chính sách sửa đổi, bổ sung lĩnh vực khai thác thủy sản để phối hợp với Vụ Nuôi trồng thủy sản xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Vụ Nuôi trồng thủy sản: Khẩn trương đề xuất chính sách về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển để chủ trì tổng hợp chính sách, tham mưu soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Cục Kiểm ngư: Tổ chức công tác tuyên truyền; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP (tập trung vào các hành vi nghiêm trọng) để góp phần sớm được EU gỡ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.

Hiện ngành Thủy sản nói riêng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Quyết tâm Tháo gỡ khó khăn cho nông dân, ngư dân; Tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác