Sau thành công của sự kiện lần đầu tiên (năm 2017), AQUACULTURE VIETNAM 2019 đã diễn ra với quy mô lớn hơn, chất lượng hơn, đáp ứng sự tăng trưởng của ngành Nuôi trồng thủy sản và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản. Có 02 hoạt động nổi bật trong sự kiện lần này là Triển lãm và Hội thảo với sự tham gia của hơn 20 quốc gia. Trên 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đến trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và công nghệ mới như: Vật tư thủy sản phục vụ cho ngành Nuôi tôm công nghiệp; Hệ thông định lượng và vận chuyển thuốc; Vi lượng và chất phụ gia dạng bột; Máy trộn, máy phủ, máy xét nghiệm bệnh tôm cho kết quả sau 60 phút; Bộ chuẩn đoán nhanh kháng nguyên và kháng thể gây bệnh cho cá; Các sản phẩm thức ăn thủy sản giàu dinh dưỡng, chất bổ sung thức ăn dạng lỏng dinh dưỡng cao, bột cá Ấn Độ; Chế phẩm sinh học xử lý ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh; Vắc xin; Các thiết bị kiểm tra môi trường; Thiết bị cảm biến; Nguồn giống sạch bệnh nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho ngành Nuôi trồng thủy sản.
Triển lãm và Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản - AQUACULTURE VIETNAM 2019 sẽ tạo cơ hội kết nối kinh doanh và tạo các diễn đàn trao đổi kiến thức, tập trung vào sự đổi mới công nghệ và các giải pháp cho ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam (đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Cũng trong khuôn khổ của Hội chợ Triển lãm, “Hội nghị Quốc tế Thủy sản lần 4” với chủ đề “Tiềm năng của ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam – Cơ hội cho các nhà đầu tư” sẽ được đồng tổ chức bởi Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức Oxfam Việt Nam, nhằm mang đến những kiến thức toàn diện về kỹ thuật và thị trường; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và kết quả nghiên cứu mới nhất từ các chuyên gia và tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Qua đó, giúp người nuôi trồng và doanh nghiệp cải thiện năng suất và vượt qua những thách thức hiện tại.
|
Hơn 50 diễn giả hàng đầu ngành Thủy sản sẽ tham gia chia sẻ tại Hội thảo. Về phía Việt Nam, có đại diện của Tổng cục Thủy sản (Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế); Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Đại học Nông Lâm, Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ). Ngoài ra, còn có các chuyên gia quốc tế cũng tới tham dự: Trung tâm Phát triển Thủy sản Khu vực Đông Nam Á (SEAFDEC), Tổ chức liên chính phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (INFOFISH), FARM ASIA, Bureau Veritas, JICA, NACA, Green ID…
|
Chủ đề thảo luận sẽ rất đa dạng, gồm: Tổng quan ngành Thủy sản Việt Nam; Công nghệ dinh dưỡng và Thức ăn trong Nuôi trồng thủy sản; Hệ thống canh tác (ao, chuồng, raceway, biofloc, RAS); Kiểm soát dịch bệnh, môi trường và vấn đề sử dụng probiotic trong Nuôi trồng thủy sản; Tình hình sản xuất và cung ứng giống nuôi thủy sản; Công nghệ chế biến, sau thu hoạch và chất lượng sản xuất; Tình hình thương mại, thị trường và chuỗi giá trị; Truy xuất nguồn gốc và chứng nhận… Các bài tham luận/ thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Mô hình nuôi luân canh tôm biển - cá rô phi; Tình hình nuôi cá Tra, cá Điêu hồng, cá nước lạnh, động vật thân mềm; Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và Thích ứng biến đổi khí hậu; Công nghệ mới trong nuôi nghêu và Tiêu chuẩn chứng nhận MSC; Cơ hội đầu tư trong ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Triển lãm và Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản dự kiến thu hút hơn 60 đoàn đại biểu với khoảng 6.000 khách tham quan thương mại, các hộ nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản và các chuyên gia trong nước/ quốc tế.
Ngọc Thúy – FICen