Hội thảo Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực thủy sản (17-10-2019)

Ngày 11/10/2019, tại thành phố Hải Phòng, Viện Nghiên cứu hải sản tổ chức Hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực thủy sản”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng đã tham dự và chủ trì Hội thảo.
Hội thảo Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực thủy sản

Đại biểu tham dự hội thảo đến từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, cán bộ khoa học tại các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm Nghiên cứu, Cơ quan, Doanh nghiệp và các ngư dân.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu và trao đổi kiến thức về các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới có triển vọng ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản giữa nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo tại Hội thảo, thời gian qua, các ứng dụng KHCN trong khai thác hải sản trên thế giới đã được nghiên cứu và bước đầu được thử nghiệm áp dụng vào Việt Nam. Một số kết quả nổi bật như: đã làm chủ được công nghệ đóng tàu cá vỏ thép kích thước lớn đảm bảo hoạt động an toàn, dài ngày trên các vùng biển; đã sản xuất và thi công được hệ thống trị thủy lực để thu lưới, thu câu để tăng hiệu suất, ổn định và đảm bảo an toàn khi vận hành; ứng dụng và khai thác có hiệu quả các thiết bị điện tử hiện đại để tăng năng suất khai thác và đảm bảo an toàn cho tàu và hiệu quả nghề khai thác...

Theo Thạc sĩ Phan Đăng Liêm (Viện Nghiên cứu Hải sản) đến nay đội tàu khai thác hải sản của nước ta vẫn chưa phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, vẫn sử dụng nhiều lao động, năng suất còn thấp, tổn thất chất lượng vẫn còn cao, vẫn còn rủi ro, mất an toàn trong lao động trên biển và tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này dẫn đến việc khai thác hải sản ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững và không ổn định. Một trong những nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế nêu trên là việc chậm đổi mới công nghệ, hoạt động ứng dụng KHCN trong khai thác hải sản chưa hiệu quả. Thực tế, hoạt động ứng dụng KHCN trong khai thác hải sản trong thời gian qua mang tính tự phát, manh mún, thiếu đồng bộ, sức lan tỏa chưa cao, chưa thực sự phù hợp điều kiện sản xuất thực tiễn. Để thực hiện thành công dễ án “Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và các định hướng chiến lược khác của ngành thì việc đưa ra các định hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản là rất cần thiết.

Đánh giá về thực trạng công nghệ sau thu hoạch thủy sản của nước ta, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thi (Viện Nghiên cứu Hải sản) cho rằng, ngành chế biến thủy sản đã có đóng góp quan trọng trong phát triển thủy sản, tuy nhiên vẫn còn tồn tại lớn nhất đó là nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài, với trên 50% là sản phẩm sơ chế, tỷ lệ các sản phẩm có giá trị gia tăng chưa cao, mẫu mã bao bì còn đơn giản.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đặt vấn đề làm sao để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản, giảm tổn thất khai thác, thực hiện cơ giới hóa, giảm số lượng lao động do tình trạng thiếu lao động trên tàu khai thác đang phổ biến hiện nay. Trong khi cũng có nhiều đại biểu cho rằng, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác hải sản vẫn còn nhiều khó khăn, như giá thành lắp đặt hầm bảo quản trên tàu khai thác còn cao, ứng dụng đèn LED trong khai thác mặc dù có hiệu quả nhưng giá thành lắp đặt vẫn cao. Trong Nuôi trồng, áp dụng nuôi lồng trên biển chi phí lắp đặt còn cao và khó triển khai. Bên cạnh đó, việc đánh giá nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng chưa có kết quả cụ thể khiến việc áp dụng hạn ngạch khai thác còn khó khăn.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng đã đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo cũng như sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu, các báo cáo tham luận tại Hội thảo rất đầy đủ, đa dạng và chất lượng. Phó Tổng cục trưởng cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Phó Tổng cục trưởng mong muốn, thông qua Hội thảo, tới đây định hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực khai thác sẽ được rõ ràng và đi vào thực tiễn hơn.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vụ thu - đông tại Đồ Sơn - Hải Phòng và tham quan mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác