Tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” tại tỉnh Quảng Ninh (03-07-2019)

Chiều ngày 29/6/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” tại tỉnh Quảng Ninh

Tham dự tọa đàm có các đại biểu: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trug ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội; Trần Thị Hoa Ry, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia trong nước và quốc tế về ngành tôm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã tham dự và đối thoại tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, con tôm là đối tượng chủ đạo. Trước tác động của biến đổi khí hậu, con tôm được chú trọng để phát triển, sản lượng tôm nuôi không ngừng tăng. Đó là thành quả từ công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ban ngành trung ương và các địa phương một cách sâu sát, chặt chẽ, đi đúng hướng. Để con tôm Việt Nam vươn tầm và khẳng định vị thế thì phải bảo đảm chuỗi sản xuất liên kết từ khâu đầu vào, đầu ra ổn định, đạt chất lượng về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phát triển tôm nuôi theo hướng công nghệ cao, phát triển theo cách bày bản, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời buổi phát triển công nghệ.

Theo Phó Tổng cục trưởng, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về sản xuất tôm manh mún, nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chất lượng hạ tầng... là những yếu tố cần được thay đổi để đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành tôm. Hiện sản lượng tôm của Việt Nam chiếm khoảng 50% thị trường thế giới. Để tổ chức sản xuất ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới được vươn xa, thì các địa phương cần chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Từ đó, từng bước ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, hướng đến Việt Nam là xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung đánh giá: không phải ngẫu nhiên mà Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước. Bạc Liêu có cơ sở thực tiễn và khoa học để thực hiện trọng trách này. Hiện nay, Bạc Liêu có diện tích hơn 130 ngàn ha có thể nuôi tôm, trong đó hơn 70% diện tích có thể nuôi tôm công nghệ cao. Bạc Liêu có hệ sinh thái gồm 3 vùng mặn, ngọt, lợ đại diện cho vùng ĐBSCL; sản lượng tôm thu hoạch khoảng 140 nghìn tấn/năm, đứng thứ ba toàn quốc, trong tương lai mục tiêu của tỉnh hướng đến vươn lên dẫn đầu cả nước về sản lượng. Bạc Liêu hiện cũng có dự địa rất lớn về diện tích nuôi tôm và là tỉnh đang sở hữu những công nghệ đi đầu về nuôi tôm công nghệ cao. Đặc biệt, Bạc Liêu hội tụ hàng chục doanh nghiệp tiên phong chuyên sản xuất, cung ứng tôm giống, chiếm 1/3 thị phần tôm giống cả nước, có đội ngũ nhân lực có trình đô chuyên ngành tôm và liên kết chặt chẽ với các trường đào tạo giàu kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản; cùng với đó là cơ chế giảm thuế 100% cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghệ cao... Bạc Liêu luôn xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương. Đó là những yếu tố giúp Bạc Liêu trở thành “công xưởng” sản xuất tôm lớn nhất cả nước và hướng đến trở thành thủ phủ ngành tôm trong tương lai không xa.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập Đoàn Việt - Úc cho rằng, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm là rất cần thiết. Tập đoàn luôn chú trọng đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, số lượng tôm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu xuất khẩu trong nước và thế giới. Nếu có những công nghệ tốt thì quá trình nuôi không cần sử dụng kháng sinh, hóa chất - đây là vấn đề mấu chốt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước thế giới đang đặt ra đối với con tôm. Có được sự phát triển như hôm nay, Tập đoàn chân thành cám ơn lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã luôn hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Việt - Úc yên tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả.

Có thể nói, Chương trình tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” là cơ hội xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây còn là cầu nối để tỉnh Bạc Liêu và Tập đoàn Việt - Úc truyền tải các thông điệp về chiến lược xây dựng thương hiệu tôm, những thành công trong việc áp dụng công nghệ trong nuôi tôm lan tỏa rộng rãi trong nước và thế giới. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn được nguồn tôm sạch, mang tầm thương hiệu quốc gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác