Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (24-04-2019)

Chiều ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Hội nghị có sự tham dự của nhiều Bộ, ban, ngành có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính… và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU), trong thời gian qua phía Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, cơ bản nội luật hóa các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, tiến hành thực thi pháp luật kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU, thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU và thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về chống khai thác IUU, đồng thời tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU tại địa phương.

Đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương đã hoàn toàn chấm dứt. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của ngư dân về hoạt động khai thác bất hợp pháp đã được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt vi phạm thường xuyên xảy ra ở một số địa phương, có tính lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; việc kiểm soát tàu cá ra - vào cảng còn hạn chế; công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn nhiều sai sót... 

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số tỉnh ven biển trọng điểm đã thẳng thắn trình bày những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, những tồn tại, khó khăn còn vấp phải, đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn đó. Nhiều địa phương thống nhất ý kiến: Nguyên nhân khiến tình hình vi phạm của tàu cá Việt Nam tại nhiều vùng biển nước ngoài giáp ranh còn khó xử lý dứt điểm do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm, nhiều địa phương chưa xử phạt hoặc xử phạt không đáng kể so với số vụ việc vi phạm; hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, nên tình trạng khai thác IUU ở vùng biển ven bờ vẫn còn diễn ra. Từ đó, các địa phương đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những quy định về hình thức xử phạt thật nghiêm khắc, có tính răn đe cao, thậm chí xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp tổ chức đưa tàu thuyền và ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm đối với các đối tượng chủ tàu và thuyền trưởng khi để xảy ra tình trạng vi phạm, xem xét hình thức xử lý phù hợp với ngư dân làm việc trên tàu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc EC cảnh cáo “Thẻ vàng” đối với Thủy sản Việt Nam có thể được xem là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá, tiến tới xây dựng một nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc và có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ như Công điện 732, Chỉ thị 45, Luật Thủy sản, và các văn bản pháp luật khác, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. Tổng cục Thủy sản cần nhanh chóng hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thủy sản. Chú trọng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Lên kế hoạch chi tiết đối với các nội dung kiểm tra Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các biện pháp ngăn chặn khai thác bất hợp pháp tại các địa phương, chú ý công tác chia sẻ và phối hợp giữa các địa phương và các lực lượng chấp pháp trên biển để kịp thời thông tin, nắm bắt tình hình và nhanh chóng có hướng xử lý khi có các sự việc phát sinh.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác