Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 khu vực phía Bắc (22-02-2019)

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì Hội nghị. 
Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 khu vực phía Bắc

Trong năm 2018, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của Bộ NN&PTNT đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và hài hòa với chuẩn mực quốc tế.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Trong năm 2018 đã có 1.845 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 80.000 ha (tăng 61.000 ha so với năm 2017), khoảng hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP…

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đảm bảo răn đe, ngăn ngừa tái phạm. Năm 2018, toàn Ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, ATTP nông lâm thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt 39,8 tỷ đồng. Kết quả giám sát tại các địa phương từ năm 2018 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017, 2016...

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, chậm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bộ máy quản lý, nguồn lực kiểm soát tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng để thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, các đối tượng tham gia chuỗi giá trị từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. 

Ngoài việc khuyến khích đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, Bộ sẽ ưu tiên thanh tra đột xuất cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm... nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Bộ sẽ xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đưa sản phẩm vi phạm chất lượng ra lưu thông trên thị trường. 

Trong năm 2019, Bộ NN&PTNT sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ đã đặt ra chỉ tiêu 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng VTNN, ATTP cần phải được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch. Các đối tượng tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng cần được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng VTNN, ATTP. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo ATTP cần tăng 10% so với năm 2018 và tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh phải giảm 10% so với năm 2018...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, công tác đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra tuy vẫn còn một số tồn tại vẫn chưa được khắc phục. Năm 2019 được nhận định sẽ là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản. Bộ NN&PTNT yêu cầu các ban ngành liên quan cần phải tập trung tối đa nguồn lực của mình để có thế vượt qua những khó khăn, thách thức và hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác