Phát triển bền vững ngành hàng cá tra Việt Nam (18-09-2018)

Cuối tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị "Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp" với mục đích: Thống nhất nhận thức - hành động; Thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra.
Phát triển bền vững ngành hàng cá tra Việt Nam
Ảnh minh họa

Ngành hàng cá tra Việt Nam trong những năm qua đã phát huy lợi thế, tiềm năng tự nhiên, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, ứng dụng linh hoạt các thành tựu khoa học công nghệ, nỗ lực phấn đấu và có bước tiến vượt bậc. Đến nay, đã hình thành ngành kinh tế hoạt động chuyên nghiệp, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đem lại giá trị xuất khẩu 1,8 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 7 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với các khó khăn từ rào cản của thị trường nhập khẩu, ngành hàng cá tra vẫn đạt tăng trưởng khá: Sản lượng nuôi đạt 814 nghìn tấn (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017); Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017). Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao kết quả này là sự đóng góp của tập thể người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, nếu xét về tính bền vững thì ngành hàng cá tra vẫn cần tiếp tục phấn đấu, nhất là ở các mặt cụ thể như: Cải thiện chất lượng cá giống; Hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất; Đa dạng hóa mặt hàng; Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chế biến; Các Hội/Hiệp hội cần tập hợp sức mạnh, chủ động bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thủy sản, có phản ứng mạnh mẽ, kịp thời trước các rào cản, thách thức cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu.

Hiện tại, tiềm năng phát triển ngành hàng cá tra là rất lớn do xu thế sử dụng thực phẩm thủy sản vẫn tăng cao; ngành hàng cũng đang có lợi thế cạnh tranh tốt. Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và các thành tựu khoa học công nghệ mới đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, thậm chí có thể thay đổi cả quan niệm và quy trình sản xuất truyền thống.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, để hoàn thành kế hoạch thì toàn ngành thủy sản sẽ phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Triển khai thực hiện Đề án giống cá tra 3 cấp, Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn và sản phẩm từ cá da trơn.

Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất (nhất là công nghệ 4.0) để có quy trình sản xuất tiên tiến, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, chủng loại sản phẩm đa dạng. Tăng cường liên kết theo chuỗi, gắn kết khâu sản xuất với tiêu thụ; Thông tin kịp thời các yêu cầu từ thị trường để chủ động sản xuất nguyên liệu phù hợp. Đây cũng chính là giải pháp giúp truy xuất nguồn gốc, thích ứng với đòi hỏi của thị trường, đồng thời chống bôi nhọ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Đối với giống cá tra, thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giống theo hướng Nhà nước và Nhân dân cùng làm; triển khai tốt Đề án giống cá tra 3 cấp. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, hình thành các đơn vị nghiên cứu, chọn tạo giống gốc theo các dòng sản phẩm khác nhau theo thị hiếu của mỗi thị trường, như: tỷ lệ thịt/mỡ, màu sắc phile, mùi vị, chất lượng thịt… Từ đó, nhân lên thành giống thương mại phục vụ sản xuất; thử nghiệm mô hình ương cá giống hai giai đoạn, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ương cá giống để giảm diện tích ương nhưng vẫn đáp ứng đủ số lượng giống chất lượng cao.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần đánh giá, xác định lợi thế của sản phẩm cá tra trong Chiến lược tái cơ cấu. Từ đó, có giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững.

Về phía các Hội/Hiệp hội, cần phản ứng kịp thời, mạnh mẽ với những thông tin không đúng sự thật về ngành hàng cá tra Việt Nam; bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.

Các doanh nghiệp nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra: Cần tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước; Đồng thời, đoàn kết, hợp tác, thực hiện văn hóa chia sẻ thông tin trong kinh doanh; Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, bền vững.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Phối hợp với các Bộ ngành, sát cánh cùng địa phương, doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu.

 Ngọc Thúy - FICen 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác