Hội nghị bàn giải pháp xúc tiến đầu tư vào các trung tâm nghề cá lớn (13-08-2018)

Sáng ngày 11/08, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị bàn giải pháp xúc tiến đầu tư vào các trung tâm nghề cá lớn.
Hội nghị bàn giải pháp xúc tiến đầu tư vào các trung tâm nghề cá lớn
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị

Tham gia hội nghị có Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các đơn vị trực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh/ thành phố, đại diện của 28 chi cục thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hội nghề cá Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị.

Trong giai đoạn 2010 - 2017 ngành thuỷ sản Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất 4,7%/năm, riêng năm 2017 tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 7,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,3 tỷ đô la Mỹ. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng được duy trì liên tục và ở mức độ cao. Tuy nhiên nhìn vào hệ thống cơ sở hạ tầng thuỷ sản của nước ta thì vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu và sự phát triển của nghề cá hiện nay. Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng thuỷ sản giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 49.248 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 6 Trung tâm nghề cá lớn. Trong đó, có 5 trung tâm ở vùng khai thác trọng điểm tại: Hải Phòng (ngư trường Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa), Bà Rịa-Vũng Tàu (ngư trường Đông Nam bộ), Kiên Giang (ngư trường Tây Nam bộ) và một trung tâm phát triển thủy sản tại Cần Thơ (gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long).

Trung tâm nghề cá lớn gồm tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hầu cần nghề cá, có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt khai thác xa bờ, gắn với các ngư trường trọng điểm.

Việc đầu tư xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm là nhu cầu tất yếu phù hợp với nguyện vọng của ngư dân nhằm cơ cấu lại nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác ven bờ, là nhiệm vụ chiến lược, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế ngành thủy sản nói riêng và kinh tế biển nói chung gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng hiện nay ngân sách dành cho đầu tư vào trung tâm nghề cá lớn rất hạn chế, do đó cần thu hút nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hạng mục phụ thuộc vào khả năng sinh lời cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, để thu hút đầu tư có hiệu quả cần nghiên cứu và ban hành danh mục các hạng mục công trình thuộc trung tâm nghề cá lớn và xác định rõ hình thức huy động nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chính sách tạo điều kiện thu hút để các doanh nghiệp tham gia đầu tư một cách có hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Ông Đào Công Thiên cho rằng, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có số lượng tàu khai thác hải sản lớn. Bên cạnh đó, số lượng tàu cá của các tỉnh tham gia khai thác tại ngư trường chính như: ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa thường xuyên cập cảng tại tỉnh Khánh Hóa hết sức nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong những năm qua, do ngân sách dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cảng cá trên địa bàn vẫn hạn chế, một số cảng cảng cá đã xuống cấp. Việc đầu tư xây dựng trung tâm nghề cá lớn hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo động lực để phát triển và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hoàn thiện các hạng mục như quy hoạch chi tiết, phân hạng mục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo các chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trung  tâm nghề cá lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia xây dựng các hạng mục trong trung tâm nghề cá lớn.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang)  hoàn thiện quy hoạch chi tiết; thiết kế cơ sở các hạng mục trong Trung tâm nghề cá lớn. Thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào các hạng mục trong trung tâm nghề cá lớn. Bên cạnh đó, các tỉnh cần chủ động tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào trung tâm nghề cá lớn.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản, Vụ Kế hoạch phối hợp xây dựng bộ tài liệu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư. Rà soát các quy định hiện hành liên quan đến cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư. Nghiên cứu đề xuất các chính sách để triển khai thu hút đầu tư. Tham mưu xây dụng danh mục các hạng mục, dự án thuộc trung tâm nghề cá lớn để huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm đến các dự án cần chủ động đề xuất với các địa phương để triển khai nghiên cứu đầu tư.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác