Hội thảo Phát triển bền vững và toàn diện giá trị nghêu (ngao) tại Việt Nam (04-06-2018)

Ngày 31/5/2018, tại Bến Tre, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững và toàn diện giá trị nghêu ở Việt Nam”.
Hội thảo Phát triển bền vững và toàn diện giá trị nghêu (ngao) tại Việt Nam

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị của Tổng cục Thủy sản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Hội nghề cá Việt Nam, người dân và doanh nghiệp sản xuất chế biến nghêu cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện nay vùng nuôi nghêu của nước ta chủ yếu tập trung tại các tỉnh khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khu vực phía Bắc chủ yếu tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực ĐBSCL chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Năm 2017, diện tích nuôi nghêu cả nước đạt 19.100 ha với sản lượng đạt hơn 179 nghìn tấn.  Sản phẩm nghêu xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt tại 42 thị trường trên thế giới, hiện thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU, Mỹ, Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nghêu của đạt hơn 62 triệu USD.

Sản xuất và chế biến nghêu là nguồn sinh kế quan trọng, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, vẫn tồn tại nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nghêu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nghêu còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công và minh bạch. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nghêu của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định: Tuy đạt nhiều thành quả đáng khích lệ nhưng những năm vừa qua, thủy sản Việt Nam nói chung đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khai thác (nguồn lợi cạn kiệt, không được quản lý tốt), nuôi trồng (môi trường, dịch bệnh), chế biến và bảo quản, thương mại (rào cản kỹ thuật, các vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm)… Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, để những người sản xuất quy mô nhỏ có điều kiện tham gia, rất cần có những chương trình phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm.

Được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu trong khuôn khổ chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, Oxfam tại Việt Nam hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam (2018 – 2022)”. Dự án được thực hiện với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam thông qua nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh của người sản xuất quy mô nhỏ, các công ty chế biến theo tiêu chuẩn bền vững thúc đẩy tiếp cận thị trường, môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp lồng ghép các nguyên tắc sản xuất bền vững.

Phó giám đốc Quốc gia Oxfarm tại Việt Nam Nguyễn Thị Lê Hoa cho biết: Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm (2018 - 2022) tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Song song với việc hỗ trợ cải tiến kĩ thuật sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong chế biến và kinh doanh, dự án tập trung xây dựng năng lực của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, hỗ trợ kĩ thuật các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi nghêu nhằm đạt được các tiêu chuẩn sản xuất bền vững quan trọng như MSC (Marine Stewardship Council) dành cho nghêu. Đây là điều kiện tiên quyết để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác