Thanh Hóa: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 (03-04-2018)

Nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020.
Thanh Hóa: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020
Ảnh minh họa

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2018-2020 theo giá trị sản xuất là 3,4% năm. Trong đó, nông nghiệp 1,8% năm, lâm nghiệp 11,2% năm, thủy sản 6,8% năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Nông nghiệp chiếm 69%, lâm nghiệp 8,8%, thủy sản 22,2%.Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,03%. Tỷ lệ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn đạt 100%, trong đó sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30%. Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2014.Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 35%.

Định hướng giai đoạn 2018-2020, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Về thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung phát triển 04 sản phẩm có lợi thế; Tôm he chân trắng; ngao Bến Tre; cá rô phi; các sản phẩm hải sản khai thác.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP nông sản, thủy sản; quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu, rộng các quy định của Trung ương và của tỉnh về ATTP để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý về vệ sinh ATTP nông sản, thủy sản; quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp. Xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả và sáng tạo. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, ưu tiên những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác