Bộ Nông nghiệp tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 (15-01-2018)

Ngày 11/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường tham dự và chủ trì Hội nghị.
Bộ Nông nghiệp tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018

Năm 2017, toàn ngành Nông nghiệp đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bám sát tình hình thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện các các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016; trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17%, thuỷ sản tăng 5,89%; GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9%.

Cơ cấu lại ngành tiếp tục được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đối với lĩnh vực thủy sản, trong năm qua đã phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi; tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chủ lực; điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; đã giảm mạnh khai thác ở vùng biển ven bờ; tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ. Đồng thời, đã tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển. Tiếp tục theo dõi, triển khai, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67. Sau khi xảy ra tình hình tàu vỏ thép đóng mới bị hỏng (42 chiếc, tương đương 4,54%), Bộ đã phối hợp với các cơ quan, địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đình chỉ không cho đóng mới tàu cá vỏ thép đối với 02 Công ty: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, Công ty TNHH MTV Nam Triệu để tập trung khắc phục sửa chữa các tàu cá bị hư hỏng. Ngoài ra cũng tham mưu có hiệu quả trong triển khai các chính sách khôi phục, phát triển sản xuất tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến xuất khẩu chưa đáp ứng yêu cầu, sản xuất giống chưa chủ động, quản lý quy hoạch, môi trường và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; chưa có đột phá trong đầu tư nâng cấp các hệ thống hạ tầng nghề cá. Tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không được quản lý vẫn còn xảy ra

 Về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, năm 2017 Bộ đã triển khai thực hiện 43 đoàn thanh tra, tổng số tiền xử lý là 9.978.883.000 đồng. Các cuộc thanh tra chuyên ngành đã bám sát theo nội dung của Kế hoạch năm Cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động công vụ về quản lý vật tư nông nghiệp; ngăn chặn hiệu quả, từng bước giải quyết dứt điểm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Đặc biệt, là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi hành vi bơm tạp chất vào tôm và kinh doanh tôm bơm tạp chất.

Về phòng chống thiên tai, đã sớm chủ động, bước đầu kiện toàn tổ chức bộ máy; chủ động tham mưu chỉ đạo ứng phó nhanh, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai nhất là cơn bão số 10,12 và 16, đặc biệt đã theo dõi sát, chỉ đạo quyết liệt việc vận hành xả lũ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; theo dõi, xử lý trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp các địa phương bị sạt lở bờ sông, bờ biển; kịp thời tổng hợp, trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, sớm ổn định đời sống, hạ tầng và khôi phục sản xuất; tăng cường có hiệu quả hợp tác trong phòng chống thiên tai.

Chương trình mặt trận quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được kế thừa, phát huy thành tựu của giai đoạn trước và đang tích cực triển khai theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 và cho năm 2017, chú trọng hơn đến phát triển sản xuất và đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã , nhà văn hóa và khu thể thao thôn), đặc biệt là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như: Kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất để tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn chưa đạt yêu cầu; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân còn thấp. Nợ trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương chưa được giải quyết triệt để.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thấp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; hợp tác xã nông nghiệp thực hiện việc chuyển đổi hoặc thành lập mới tăng chậm về số lượng, chưa có nhiều mô hình liên kết hiệu quả với doanh nghiệp; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; doanh nghiệp nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ. Hệ thống quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả phối hợp chưa cao. Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành.

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm 2017 là năm vượt khó đi lên của ngành nông nghiệp, nhưng với sự đồng sức, đồng lòng của toàn ngành, sự thay đổi lớn về phương thức chỉ đạo, phối hợp tốt giữa các lực lượng, các đơn vị truyền thông và các bộ ngành, ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tạo nên tiền đề tốt cho năm 2018. Bộ trưởng biểu dương các cán bộ, công chức, viên chức đã chung sức chung lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành trong năm qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá, vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập, như chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có đột phá nhưng chưa bền vững, khâu tổ chức, chế biến chưa chặt chẽ; về chỉ đạo điều hành có chỗ, có nơi chưa quyết liệt, còn thụ động; phản ứng với những vẫn đề nóng đôi khi chưa được nhanh nhậy; sự phối hợp giữa các đơn vị trong bộ, ngành hiệu quả...

Năm 2018, Bộ trưởng nhận định là năm có rất nhiều nhiệm vụ nặng nề, nhiều thách thức và rủi ro, thiên tai thì biến đổi khôn lường, yêu cầu cải cách hành chính ngày càng cao. Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị toàn ngành năm 2018 tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành năm 2107; quyết tâm hành động, đổi mới sáng tạo, bám sát các mục tiêu nhiệm vụ được giao; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và Bộ đề ra.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác