Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) (15-12-2017)

Chiều 15/12/2017, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai chủ trì Hội nghị.
Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu âu  về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đồng chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố ven biển, sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, ban quản lý một số cảng cá của các tỉnh/thành phố ven biển, các hội, hiệp hội,  doanh nghiệp, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin Hội nghị.

Năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành quy định 1005/2008 về chống khai thác IUU, có hiệu lực thi hành từ năm 2010, theo quy định, EC sẽ đưa ra biện pháp thẻ vàng để nhắc nhở trong trường hợp nước xuất khẩu có vi phạm về khai thác IUU nhưng chưa ở mức độ quan trọng.

Từ năm 2012 đến năm 2017, EC và Việt Nam đã bắt đầu tiến trình đối thoại thường niên về thực hiện quy định về khai thác IUU, theo đó hằng năm, EC sẽ tổ chức các đoàn qua Việt Nam để trao đổi, kiểm tra việc thực hiện quy định này và đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện hệ thống quản lý nghề cá của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu theo quy định về khai thác IUU.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm cải thiện tình hình khai thác IUU. Tuy nhiên, vào ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC đưa ra 09 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 06 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018), cụ thể: (i) Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản; (ii) Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi; (3) Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và  theo dõi; (iv) Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác; (v) Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác; (vi) Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá; (vii) Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ; (viii) Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; (ix) Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực)

Ngay sau khi EC tuyên bố áp dụng “Thẻ vàng”, Việt Nam đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về khai thác IUU, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc giải quyết vấn đề thẻ vàng, cụ thể: Sửa đổi Luật Thủy sản theo hướng đáp ứng khuyến nghị của EC và dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 21/11/2017 và đã được công bố vào ngày 15/12/2017.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp khắc phục như: Ban hành Chỉ thị về việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (Số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017); Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 và một số giải pháp cụ thể khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS về kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU.

Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các hội, hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp, người dân, nhiều hoạt động nhằm khắc phục theo các khuyến nghị của EC đã được triển khai gấp rút, đặc biệt là công tác truyền thông và kiểm soát tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản, thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao cần thiết. Chuẩn bị các điều kiện để thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản 2017.

Để sớm thoát ra khỏi thẻ vàng của EC, trong thời gian tới việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và tổ chức thực thi một cách hiệu quả cần được triển khai đồng bộ, đặc biệt là việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát hành trình của tàu cá trên biển, vận hành cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu cá, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác và sản lượng lên bến để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác truyền thông về khai thác IUU.

Tại Hội nghị, Tổng cục Thủy sản đã phổ biến Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Một số điểm mới liên quan đến khai thác IUU được quy định trong Luật Thủy sản 2017; Tình hình thực hiện công điện 732/CĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tóm tắt một số hành động cụ thể của Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản nhằm chung tay chống lại khai thác IUU và khắc phục thẻ vàng của EC.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng công tác thực thi pháp luật về khai thác IUU phải nghiêm minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đúng đối tượng; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, tăng cường hệ thống giám sát hành trình, thực thi nghiêm túc việc ghi nhật ký và báo cáo khai thác, truy xuất nguồn gốc. Việc triển khai xác nhận nguồn gốc nguyên liệu tại cảng cần được tập huấn và bổ sung nguồn lực cho Ban quản lý cảng. Các hành động khắc phục thẻ vàng cần được lượng hóa, có lộ trình cụ thể và đặt thứ tự ưu tiên để việc đàm phán với EC được thuận lợi.

Đại diện bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay, việc xử lý của các nước đối với các tàu vi phạm vùng biển khai thác hải sản ngày càng tăng nặng, thậm chí có nước sử dụng tàu chiến để ngăn chặn tàu vi phạm, đốt tàu, phạt tù ngư dân vi phạm…

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương trong việc khắc phục theo các khuyến nghị của EC, đánh giá cao vai trò của VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản.

Thứ trửng cho rằng, đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản và cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân có trách nhiệm hơn đối với nghề cá, là bước ngoặt để chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là triển khai các hành động quyết liệt để sớm thoát ra khỏi thẻ vàng.

Thứ trưởng giao Tổng cục Thủy sản khẩn trương tham mưu hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt Nghị định sửa đổi Nghị định 53, Nghị định 103, Thông tư 25, 26, 50. Phối hợp với các bên liên quan dịch chỉ thị 45 gửi EC.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam trong việc khắc phục các khuyến nghị của EC.

Các địa phương chỉ đạo để sớm chấm dứt tình trạng ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 23/4/2018. Xử lý nghiêm các vi phạm của chủ tàu, lập danh sách tàu cá vi phạm, tổng hợp danh sách các tàu cá vi phạm từ 2010 đến nay và các biện pháp đã xử lý, ngừng cấp phép cho các tàu vi phạm theo Chỉ thị của Thủ tướng

Các địa phương triển khai bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình của tàu cá, kết nối với đài bờ.

Tổng cục Thủy sản khẩn trương tham mưu việc cấm hải sâm và một số loại hải sản quý hiếm khác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm khai thác IUU. Kiểm soát chặt chẽ nghề lưới kéo, từng bước giảm tàu lưới kéo theo lộ trình. Xem xét điều kiện đối với nghề lặn.

Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về khai thác IUU.

Tổng cục Thủy sản sớm soạn thảo các văn bản hướng dẫn gửi các địa phương để tập huấn, hình thức phù hợp với tiếp cận của ngư dân

Tăng cường đối thoại cấp cao với EC, đàm phán với các nước, tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương để quốc tế hiểu nghề cá Việt Nam là nghề cá đa loài, quy mô nhỏ, vấn đề tranh chấp trên biển Đông cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề kiểm soát trong nghề cá. Chứng minh với các nước chúng ta không dung túng, khuyến khích cho các hoạt động khai thác IUU, ngư dân là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần đối xử nhân đạo, tuy nhiên, đối với trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm minh.

Rà soát, củng cố và tăng cường năng lực thực thi, đặc biệt là ban quản lý cảng cá. Các địa phương có kế hoạch cụ thể thực hiện việc ngăn chặn khai thác IUU trong thời gian sớm nhất.

Huy Linh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác