Bình Thuận: Mô hình đồng quản lý giúp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả cao (07-12-2017)

Ngày 08/12/2017, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đại biểu của Tổng cục Thủy sản, Tổ chức Quốc tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản của các tỉnh/ thành phố ven biển đã đến làm việc và khảo sát mô hình đồng quản lý Sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận: Mô hình đồng quản lý giúp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản mang lại hiệu quả cao
Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại buổi lam việc

Với chiều dài bờ biển khoảng 192 km, diện tích vùng lãnh hải rộng, tỉnh Bình Thuận là một trong 03 ngư trường trọng điểm của cả nước với tiềm năng lợi thế trong phát triển khai thác thủy sản, nguồn lợi thủy sản rất phong phú về chủng loại. Trong đó, xã Thuận Quý là xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam có nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là nhuyễn thể hai mảnh vỏ dồi dào mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, lâu nay ngư dân chỉ tập trung khai thác nguồn lợi, không quan tâm nhiều đến bảo vệ dẫn đến khai thác quá mức làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đã ảnh hưởng tới cuộc sống sinh kế của ngư dân, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản là công việc vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển và các vùng nước nội địa. Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là công việc sống còn hiện nay đối với sinh kế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đòi hỏi các cơ quan từ trung ương đến địa phương, đặc biệt trong đó người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP.SEF-SGP), Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý Sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận.

Dự án đồng quản lý Sò lông đã được triển khai thực hiên tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuân, và đã triển khai từ tháng 1/2015. Vấn đề đồng quản lý trong lĩnh vực khai thác thủy sản là một trong những vấn đề mới, trong quá trình triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở pháp lý, cơ chế phân quyền quản lý, nguồn kinh phí vận hành cũng như chia sẻ lợi ích khai thác trong Tổ cộng đồng quản lý của ngư dân. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện về các chủ trương cũng như nghiên cứu các thủ tục pháp lý, Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận đã phối hợp tổ chức UNDP quyết tâm thực hiện dự án. Trong thời gian triển khai thực hiện dự án đã được người dân hưởng ứng rất tích cực. Qua đó, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với ý thức tự giác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi sò lông trên vùng biển xã Thuận Quý của cộng đồng ngư dân có tổ chức, có truyền thống đoàn kết đến nay đã thu được những kết quả rất tích cực.

 Sau 03 năm triển khai mô hình quản lý cộng đồng, đến nay, mô hình đã thu hút sự tham gia của trên 50 hộ gia đình ngư dân tham gia. Theo khảo sát đánh giá, hiện mô hình đồng quản lý sò lông đã giúp nguồn lợi sò lông được phục hồi, với mật độ và kích cỡ tăng nhanh, đạt khoảng 150 con/m2. Bên cạnh đó, đã xuất hiện trở lại nguồn lợi các đối tượng khác như tôm hùm con, cá ngựa, mực và một số loại cá nổi xuất hiện rất nhiều trong vùng được quản lý. Đây là một trong những mô hình thành công ngoài mong đợi của chính những ngư dân tham gia.

Phát biểu tại buổi làm việc với địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã đánh giá cao kết quả mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý. Thứ trưởng hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các địa phương tiếp tục hỗ trợ ngư dân để triển khai mô hình đồng quản lý và cần nhân rộng mô hình đồng quản lý ra tại các địa phương khác. Trong thời gian tới khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, cần phổ biến cho các cơ quan quản lý tại địa phương, ngư dân để nắm bắt các quy định pháp lý liên quan đến đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác