Phiên họp lần thứ 9 CLB Công nghệ Rong biển ASEAN trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về nông lâm sản (01-08-2017)

Sáng ngày 1/8/2017, tại Tp. Đà Nẵng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD), Tổng cục Thủy sản Việt Nam (D-Fish) và Cục Nghề cá và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phi-líp-pin (BFAR) đã tổ chức Phiên họp lần thứ 9 Câu lạc bộ rong biển ASEAN (ASIC) trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về nông lâm sản đã được tổ chức. Phiên họp có sự tham dự của ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng TCTS, ông Maximo A.Ricohermoso, Chủ tịch Hiệp hội Rong biển Phi-líp-pin cùng đại diện các quốc gia thành viên ASEAN.
Phiên họp lần thứ 9 CLB Công nghệ Rong biển ASEAN trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về nông lâm sản

Rong biển được đánh giá là một trong những mặt hàng tiềm năng của ngành thủy sản, có giá trị kinh tế cao, không chỉ được dùng làm thực phẩm mà còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Rong biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng và phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sản lượng rong biển của riêng 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Ma lay xi a, In đô nê xia, Phi-líp-pin, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới hơn 94% tổng sản lượng rong biển toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á có tiềm năng và lợi thế lớn trong phát triển trồng rong biển, với các quốc gia có sản lượng lớn như Phi-líp-pin, In đô nê xia, Ma lay xia, mỗi năm cung cấp hơn 70% sản lượng rong biển toàn cầu.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được thiên nhiên ưu đãi các lợi thế trong nuôi rong biển. Tại Việt Nam, có khoảng 7 loài rong biển đang được trồng rộng rãi, với nhiều loài có giá trị kinh tế cao, được dùng để chế tạo agar, alginate. Đồng thời, phát triển nuôi trồng rong biển cũng được Chính phủ định hướng phát triển, với mục tiêu đạt hơn 138.000 tấn vào năm 2020, với mức tăng bình quân năm khoảng 21,7%. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng rong biển Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như công nghệ sản xuất giống còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch và chế biến còn cao, còn nhiều hạn chế trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cũng như chưa xây dựng được chiến lược quảng bá sản phẩm.

ASIC được thành lập nhằm mục tiêu giúp trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên, đồng thời tạo ra diễn đàn giúp các quốc gia thảo luận giải pháp ứng phó với những thách thức mà toàn ngành nuôi trồng rong biển khu vực phải đối mặt, xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược (SPA) cho ngành rong biển và các sản phẩm rong biển cũng như phát triển ngành rong biển khu vực.

Tại phiên họp, đại biểu tham dự đã trình bày tóm tắt hiện trạng ngành nuôi trồng, chế biến rong biển tại các quốc gia, đồng thời thảo luận và bổ sung cho bản kế hoạch hành động chiến lược cho ngành rong biển và các sản phẩm rong biển (SPA).

Hương Trà

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác