Các giải pháp an toàn trong thiên tai cho hộ gia đình (19-04-2017)

Thiên tai nhất là bão và lũ lụt xảy ra hàng năm ở Việt Nam gây nhiều thiệt hại cả về cả người và của cho rất nhiều gia đình. Các gia đình sinh sống tại khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai đều có nguy cơ chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai như thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới do hạn hán; nhà cửa, đồ đạc bị hư hỏng do ngập lụt; tài sản, gia súc bị lũ cuốn; nhà cửa bị sập hoặc tốc mái do bão…
Các giải pháp an toàn trong thiên tai cho hộ gia đình
Ảnh minh họa

Để chủ động phòng tránh và ứng phó với các sự cố thiên tai thường xuyên xảy ra, các hộ gia đình cần chủ động lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và đặc biệt vận dụng khéo léo các giải pháp an toàn trong thiên tai.

 An toàn trước, trong và sau bão

          Bão là một trong những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra nhất từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Rất khó có thể dự đoán chính xác đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới cũng như thời gian, địa điểm đổ bộ vào đất liền vì chúng có thể biến đổi rất đột ngột. Khi bão đi vào đất liền thường có hiện tượng gió to, kèm mưa, đôi khi kèm lốc và giông tố. Mưa lớn có thể gây lũ lụt và sạt lở đất. Bão có thể gây ra rất nhiều hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, đời sống và sản xuất của con người.

 

 

TRƯỚC KHI BÃO

  • Thường xuyên nghe dự báo thời tiết
  • Tránh đi biển, đi rừng vào những ngày có bão
  • Tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương để chuẩn bị, ứng phó với bão
  • Trao đổi, phân công công việc cho các thành viên trong gia đình
  • Thu hoạch sớm lúa, hoa màu, hải sản ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng
  • Chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các đồ dùng cần thiết như đèn pin, bao cát, thực phẩm, thuốc men, nước sạch, diêm, nến…
  • Tìm hiểu các địa điểm tránh thú bão an toàn phòng trường hợp phải đi sơ tán
  • Tìm hiểu các kỹ năng sơ cấp cứu
  • Hướng dẫn trẻ em biết có thể nhờ ai giúp đỡ nếu trong nhà có người bị thương
  • Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người ốm để tăng sức đề kháng khi thiên tai xảy ra
  • Chuẩn bị các biện pháp xử lý nước thải, rác thải để kiểm soát mầm bệnh (viên lọc nước, khử trùng)
  • Đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng động

 

TRONG KHI BÃO

  • Tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương
  • Cắt hết nguồn điện để đảm bảo an toàn
  • Giữ thông tin liên lạc giữa cộng đồng và gia đình
  • Cập nhật thông tin dự báo thời tiết
  • Ở trong các nhà kiên cố hoặc các nơi trú ẩn cao, an toàn
  • Không trú ẩn dưới gốc cây hoặc đứng gần cột điện vì chúng có thể bị đổ gây thương tích
  • Trông coi trẻ em khi có bão
  • Không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, trên các tàu thuyền ở nơi neo đậu nằm trong khu vực có nguy cơ bão đổ bộ trực tiếp
  • Hỗ trợ các gia đình có người già, người khuyết tật, người có thai, người neo đơn
  • Sẵn sàng sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương

 

 

SAU KHI BÃO

  • Tiếp tục cập nhật thông tin dự báo thời tiết
  • Kiểm tra lại nguồn điện trong nhà để đảm bảo an tòan trước khi sử dụng
  • Kiểm tra nhà cửa để kịp thời sửa chữa những nơi hư hỏng
  • Kiểm tra nguồn nước xem có xác động vật chết, nước bẩn hoặc nước mặn làm nhiễm bẩn
  • Kiểm tra bờ đê, cây cối quanh nhà xem có hư hại gì không
  • Hỗ trợ các gia đình hàng xóm bị thiệt hại nặng
  • Dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi bão tan
  • Không nên đi lại, chơi đùa trên đường bị ngập lụt sau bão
  • Không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
  • Rút kinh nghiệm ứng phó với bão
  • Tích cực tham gia lao động, khôi phục sản xuất, áp dụng cải tiến lách vụ tránh thiên tai
  • Tích cực tham gia họp cộng đồng lên kế hoạch phòng chống bão

 

An toàn trước, trong và sau lũ lụt

          Lũ lụt là khi mực nước và tốc độ dòng chảy trên sông, suối vượt qua quá mức bình thường do bão, mưa lớn kéo dài, do đê, đập, hồ bị vỡ làm nước lũ dâng cao, tràn qua sông, suối, hồ, đập và đê vào các vùng trũng, làm ngập nhà cửa, cây cối và đồng ruộng.

          Lũ lụt ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, sức khỏe đời sống và sản xuất của con người như thiệt hại về tài sản, tính mạng, mất mùa, chết gia súc, gia cầm, hư hại các công trình công cụ, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, làm ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

 

 

TRƯỚC KHI LŨ LỤT

  • Thường xuyên nghe dự báo thời tiết
  • Xác định các địa điểm dễ xảy ra lũ ống, lũ quét tại địa phương
  • Chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các đồ dùng cần thiết như đèn pin, áo phao, xuồng
  • Dự trữ thực phẩm khô, bếp dầu, bếp củi, nước sạch, thuốc men…
  • Tìm nơi an toàn để giữ các giấy tờ, vật dụng quan trọng
  • Chủ động thu hoạch sớm lúa, hoa màu, sản phẩm nuôi trồng thủy sản
  • Tìm hiểu các địa điểm cao phòng trường hợp phải đi sơ tán
  • Che đậy kín bể, lu, giếng nước để tránh nước lũ tràn vào
  • Tìm hiểu trước các kỹ năng sơ cấp cứu
  • Làm hàng rào xung quanh nhà, tránh tình trạng trẻ em bị rơi xuống nước
  • Tập bơi trước mùa mưa lũ
  • Không bơi, lội qua sông, suối khi dòng nước chảy xiết hoặc đổi màu từ trong sang đục

 

TRONG KHI LŨ LỤT

  • Không cho trẻ em chơi đùa, bơi lội trong khu vực có nước
  • Không lội hoặc lái xe trong dòng nước
  • Không đi thuyền hoặc vớt củi, gỗ…khi nước dâng cao, khi lũ về
  • Không chạm vào ổ cắm điện nơi bị ẩm ướt hoặc bật điện khi nhà đang ngập nước
  • Không sử dụng thức ăn đã bị nhiễm nước lũ, thức ăn đã bị hư hỏng từ bên ngoài; không ăn thịt gia súc chết
  • Không sử dụng nước lũ trong sinh hoạt
  • Sử dụng tiết kiệm nước sạch
  • Thận trọng với các con vật nguy hiểm có khả năng di chuyển đến các khu vực khô ráo nơi bạn ở như rắn, nhện
  • Tìm cách đến khu vực cao hơn, an toàn hơn
  •  Sơ tán khỏi nơi có thể xảy ra sạt lở đất trong lũ lụt hoặc sơ tán chung theo kế hoạch chung của cộng đồng
  • Khi sơ tán hãy nhớ: gom góp tư trang, giấy tờ, tiền mặt và bọc lại bằng nilon, xếp chất đồ đạc lên cao khỏi mức nước lũ dự đoán; tắt nguồn điện, khóa vòi nước, bình gas
  • Mặc áo phao nếu có. Nếu không có ao phao, có thể sử dụng các vật nổi khác như săm (ruột xe), can rỗng hoặc thân cây chuối thay phao khi bắt buộc phải di chuyển trong vùng ngập lụt

         

SAU KHI LŨ LỤT

  • Tiếp tục theo dõi các tin cảnh báo, dự báo để nắm tình hình lũ xuống hoặc đề phòng xuất hiện các trận lũ tiếp theo
  • Tránh đi qua khu vực đang bị lũ, lụt vì luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, xói mòn đường sá
  • Không đi gần bờ sông hoặc nhưng nơi có dấu hiệu sạt lở
  • Không cho phép trẻ em vào các nhà bị ngập lụt trước khi được người lớn kiểm tra an toàn
  • Dọn dẹp, thoát nước và làm khô nhà cửa sau khi lũ rút
  • Sử dụng màn khi ngủ, ban ngày cũng như ban đêm, để tránh muỗi và côn trùng đốt
  • Khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia làm sạch môi trường và các khu vực công cộng
  • Đoàn kết, giúp đỡ láng giềng, cộng đồng vượt qua thảm hại
  • Đánh giá lại quá trình trước, trong và sau lũ để rút kinh nghiệm về giải pháp đối phó hiệu quả với các cơn lũ sau

 

An toàn trước, trong và sau lũ quét

          Lũ quét thường xảy ra trên các con sông nhỏ hoặc suối ở miền núi do mưa lớn kéo dài, ở những vùng có độ dốc cao, cây cối bị phá hủy không còn khả năng giữ nước. Lũ quét diễn ra trong thời gian rất ngắn, dòng nước chảy với tốc độ lớn làm bật gốc cây trồng và cuốn đi tất cả những gì nằm trong dòng chảy của lũ quét.

          Lũ quét có sức tàn phá rất khốc liệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản, cuộc sống và sản xuất của con người.

 

TRƯỚC KHI LŨ QUÉT

  • Tìm hiểu xem lũ quét đã từng xảy ra ở nơi mình sống chưa.
  • Trồng và chăm sóc cây cối trên sườn dốc, dọc bờ suối, đặc biệt là các loại cây có rễ ăn sâu và chắc chắn để bảo vệ đất.
  • Theo dõi thông tin mưa, lũ, lụt và sự chỉ đạo của chính quyền qua đài phát thanh, truyền hình hệ thống truyền thanh xã, phường  
  • Báo cáo ngay với chính quyền địa phương khi phát hiện thấy có dấu hiệu của lũ quét

 

TRONG KHI LŨ QUÉT

  • Khẩn trương sơ tán người và tài sản có giá trị ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét
  • Không đi qua sông, suối khi đang có lũ hoặc thấy không an toàn
  • Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường
  • Bảo vệ tính mạng trước tiên

         

SAU KHI LŨ QUÉT

  • Tiếp tục theo dõi các tin cảnh báo, dự báo để nắm tình hình lũ xuống hoặc đề phòng xuất hiện các trận lũ tiếp theo
  • Tránh đi qua khu vực đang bị lũ, lụt vì luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, xói mòn đường sá
  • Không đi gần bờ sông hoặc nhưng nơi có dấu hiệu sạt lở
  • Không cho phép trẻ em vào các nhà bị lũ quét tràn qua trước khi được người lớn kiểm tra an toàn
  • Tránh xa khu vực có bom, mìn, vật liệu nổ do lũ quét làm lộ thiên, không thu gom và chơi đùa với vật liệu chưa nổ (bom, mìn)
  •  Vận chuyển người bị nạn và sơ tán khỏi vùng nguy hiểm
  • Tham gia dọn dẹp vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh sau lũ quét
  • Tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn

 

                                                                   Thu Cúc – TT Thông tin Kiểm ngư

Nguồn: Cẩm nang an toàn trong thiên tai và lập kế hoạch phòng chống thiên tại dành cho hộ gia đinh của UN Women và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác