Nam Định: Tăng cường quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản (30-03-2017)

Với 72 km bờ biển, 3 huyện ven biển, 3 cửa sông lớn đổ ra biển, Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2016, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì phát triển ổn định. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 15.869 ha, sản lượng nuôi ước đạt 80.000 tấn Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 9.500ha, sản lượng đạt 39.800 tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 3.811 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 728 ha, tôm sú 3.083 ha. Toàn tỉnh có 85 trại sản xuất giống thủy sản, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh trên 10 tỷ con giống các loại, trong đó, tôm sú giống 137 triệu con, ngao giống gần 9 tỷ con. 
Nam Định: Tăng cường quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

Nhằm phát huy thế mạnh của tỉnh về nuôi trồng thủy sản, theo kế hoạch năm 2017, tỉnh Nam Định phấn đấu, tổng sản lượng nuôi đạt 87.480 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 16.090 ha. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Nam Định sẽ triển khai nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó, công tác quản lý thức ăn và giống thủy sản được ưu tiên hàng đầu.

Quản lý thức ăn thủy sản

Thức ăn là yếu tố đầu vào quan trọng, quyết định chất lượng, sản lượng và chiếm từ 65-80% giá thành sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. Việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, gia tăng diện tích nuôi, thâm canh/bán thâm canh đã kéo theo sự gia tăng sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất kháng sinh trong suốt quá trình nuôi. Tuy nhiên, việc sản xuất, cung ứng, sử dụng và quản lý thức ăn đang còn nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xuất hiện tình trạng sản phẩm thủy sản có dư lượng kháng sinh mà thức ăn là một trong những nguyên nhân chính. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, toàn tỉnh hiện có 51 đại lý và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chuyên cung cấp đa dạng các loại sản phẩm vật tư thủy sản, trong đó có thức ăn dành cho các loại thủy sản. Các loại thức ăn có nguồn gốc đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, In-đô-nê-xi-a… Tuy nhiên, thông tin trên nhãn mác, bao bì và hướng dẫn sử dụng của nhiều sản phẩm chỉ được ghi bằng tiếng nước ngoài, không có thông tin tiếng Việt khiến người mua không đọc được nên dùng theo cảm tính, không đúng hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn ham rẻ, mua sản phẩm kém chất lượng để nuôi thủy sản. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao, đồng thời làm giảm lợi nhuận của người nuôi.

Trước những thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp quản lý chất lượng thức ăn thủy sản, chỉ cấp phép sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho những cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm, các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác và quá hạn sử dụng…

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã xây dựng quy trình hướng dẫn sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ngay từ đầu năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức các đợt thanh, kiểm tra điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản trên địa bàn. Kết quả cho thấy phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đảm bảo quy chuẩn, điều kiện kinh doanh như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thức ăn thủy sản, kệ kê hàng, biển hiệu… Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện thủ tục hoặc giấy tờ cần thiết theo quy định, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu nhanh chóng hoàn tất. Bên cạnh đó, các các đại lý kinh doanh và nhân viên tiếp thị được yêu cầu phải có chuyên môn để hướng dẫn người nuôi sử dụng hợp lý các loại thức ăn, tránh lãng phí gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản.

Ngoài ra, các hộ nuôi thủy sản cũng cần nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc, sử dụng thuốc thú y bừa bãi không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có uy tín trên thị trường để sử dụng có hiệu quả, tránh gây lãng phí; không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác…

Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản

Về con giống, để đảm bảo chất lượng và mục tiêu đã đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT của các địa phương trong tỉnh tổ chức, kiểm tra, rà soát chất lượng các cơ sở cung ứng giống và nhu cầu giống thủy sản các loại để có kế hoạch sản xuất và quản lý chặt chẽ việc nhập giống đảm bảo con giống từ nguồn cung ngoại tỉnh có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng.

Ngay từ đầu năm 2017, các cơ sở sản xuất giống hải sản mặn lợ và cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh đã rà soát nhu cầu giống, xây dựng kế hoạch sản xuất cung ứng, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn và khuyến khích các địa phương cũng như người nuôi tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản sẽ có những hướng dẫn, chỉ đạo nuôi theo quy hoạch đã được phê duyệt, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao; làm tốt công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý vật tư đầu vào trong nuôi thủy sản, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản chủ động chọn mua những loại thức ăn, giống thủy sản đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản.

Việc quản lý tốt vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững của tỉnh và tạo ra các sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Giáng Hương

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác