Thực trạng và giải pháp khai thác thủy sản ven bờ (28-06-2016)

Thực trạng và giải pháp khai thác thủy sản ven bờ

1. MỞ ĐẦU

Bạc Liêu là tỉnh ven biển Đông Nam Bộ với đường bờ biển dài khoảng 56 km. Đây là tỉnh có nhiều nghề khai thác thủy sản, đặc biệt là các nghề ven bờ như lưới kéo, lưới rê, te xiệc, lồng bẫy…

Trong những năm gần đây, nghề lồng bẫy phát triển rất mạnh ở địa phương vì chi phí đầu tư thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, nghề khai thác bằng lồng bẫy lại là nghề đánh bắt rất nhiều thủy sản còn non, chưa trưởng thành. Theo khảo sát, việc sử dụng lưới lồng bẫy để khai thác thủy sản đã làm cho trên 40% số lượng thủy sản non bị đánh bắt.      

Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tổ chức điều tra nguồn lợi thủy  sản và đánh giá tác động của các loại nghề lồng bẫy để có thể hiểu rõ về hiện trạng và biến động của nguồn lợi thủy sản, đáp ứng nguồn số liệu đầu vào cho việc xây dựng các chính sách quản lý hợp lý theo định hướng quản lý nghề cá thích ứng. Do đó, việc triển khai đề tài “Thực trạng và giải pháp khai thác thủy sản ven bờ bằng nghề lồng bẫy tại tỉnh Bạc Liêu” để định hướng phát triển nghề nghiệp đối với vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu là rất cần thiết.

          Nội dung của đề tài bao gồm:

- Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác nghề lồng bẫy tại vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu.

- Đánh giá biến động quần đàn một số loài khai thác chính bởi nghề lồng bẫy vùng ven bờ tỉnh Bạc Liêu.

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp cho nghề khai thác hải sản bằng lồng bẫy tại vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu phát triển theo hướng bền vững.

Đề tài được thực hiện tại vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu và các điểm lên cá trong tỉnh từ tháng 4 /2014 đến tháng 9/2015.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Tài liệu nghiên cứu

          Tài liệu nghiên cứu được thu thập từ các chuyến điều tra của đề tài và tham khảo thêm các thông tin về nguồn lợi của các dự án điều tra từ Viện nghiên cứu Hải sản, bao gồm Dự án I.9 “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi biển Việt Nam” và Dự án “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu và nghề nghiệp khai thác hải sản”.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

          - Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác nghề lồng bẫy tại vùng ven bờ Bạc Liêu: Sử dụng phiếu phỏng vấn soạn sẳn để điều tra hộ ngư dân.

           - Sử dụng hướng dẫn của FAO để đánh giá biến động quần đàn một số loài khai thác chính bởi nghề lồng bẫy tại vùng ven bờ tỉnh Bạc Liêu.

          Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất các giải pháp về kỹ thuật và quản lý cho nghề khai thác thủy sản bằng lồng bẫy tại vùng ven bờ tỉnh Bạc Liêu.

          Về phương pháp xử lý số liệu:

          - Nội dung 1 và 2: Theo hướng dẫn của FAO và sử dụng các phần mềm Microsoft excel, Statictica, Fisat II để phân tích và thống kê kết quả nghiên cứu.

          - Nội dung 3: Sử dụng phương pháp nhóm chuyên gia tư vấn, hội thảo khoa học để xây dựng các giải pháp tối ưu cho việc quản lý nghề khai thác thủy sản bằng lồng bẫy tại vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu và các giải pháp về sinh kế cho ngư dân.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1 Hiện trạng khai thác bằng nghề lồng bẫy tại vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu

Tổng hợp số lượng và công suất tàu khai thác thủy sản giai đoạn 2010 – 2015 của tỉnh Bạc Liêu được thể hiện trong bảng dưới đây. 

Danh mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng số tàu, chiếc

1.088

1.143

1.186

1.234

1.254

1.225

< 20 CV

241

231

214

212

209

182

20 - < 50 CV

430

439

454

456

449

428

50 - < 90 CV

44

57

67

73

75

85

90 - < 150 CV

15

28

32

47

56

60

150 - < 250 CV

58

51

54

53

57

58

250 - < 400 CV

274

283

298

305

306

290

≥ 400 CV

26

54

67

88

102

122

 Trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng tàu cá của tỉnh tăng trung bình 2,4%/năm. Trong đó, số tàu có công suất từ 90 CV trở lên tăng từ 373 chiếc năm 2010 lên 530 năm 2015; số tàu dưới 90 CV tăng giảm không ổn định và hiện nay là 695 chiếc, chiếm tỷ trọng trên 56% tổng số lượng tàu của tỉnh. Nhìn chung, trong những năm qua mặc dù tàu công suất nhỏ dưới 90 CV còn chiếm tỷ trọng cao nhưng ngư dân Bạc Liêu đang có xu hướng đầu tư những loại tàu công suất lớn hơn (loại >= 90 CV).

Trong số các tàu cá của tỉnh, số tàu tham gia khai thác bằng nghề lồng bẫy dao động từ 136 – 246 tàu, tùy thuộc vào mùa vụ khai thác. Mùa khai thác chính của nghề lồng bẫy ở Bạc Liêu từ tháng 7 tới tháng 12 dương lịch. Số ngày hoạt động trong tháng của nghề lồng bẫy dao động từ 10 – 17 ngày; tháng 9 và tháng 11 là hai tháng có hệ số hoạt động tàu thuyền cao nhất, trong khi tháng 3 là tháng có hệ số hoạt động thấp nhất.

           Tổng sản lượng khai thác của nghề lồng bẫy trong năm của tỉnh ước đạt 1.447 tấn thủy sản các loại. Trong đó tháng 8/2014 là tháng có sản lượng cao nhất, đạt 317,9 tấn; tiếp đến tháng 12/2014 đạt 233,7 tấn. Các tháng có sản lượng cao tiếp theo là tháng 11, tháng 10, tháng 9 và tháng 7. Còn lại các tháng đầu năm 2015 và tháng 4, 5, 6/2014 đạt sản lượng khai thác thấp, dưới 100 tấn/tháng.

3.2 Thành phần loài và tỷ lệ sản lượng

          Đã xác định được 68 loài/nhóm loài bắt gặp trong nghề khai thác bằng lồng bẫy ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu. Trong tổng số 68 loài bắt gặp, loài ghẹ lửa có tỷ lệ sản lượng cao nhất, chiếm 10,5% tổng sản lượng. Tiếp theo là một số loài cá ven bờ như cá lành canh, cá sạo, cá đù uốp, cá bơn…

3.3 Đặc điểm sinh học và các tham số chủng quần của một số đối tượng cá kinh tế

          Tổng số 68 loài/nhóm loài đã bắt gặp bởi nghề lồng bẫy. Tuy nhiên có rất nhiều loài trong số này là những loài cá có giá trị kinh tế thấp hoặc là những thủy sản khác ít bắt gặp như tôm, tôm tít, cua… Tổng số 11 loài đã được phân tích sinh học trong thời gian từ tháng 4/2014 tới tháng 3/2015.

 Từ kết quả được nêu trong phần 3.1, 3.2 và 3.3, đề tài đã đề xuất giải pháp quản lý khai thác thủy sản bằng nghề lồng bẫy ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu, bao gồm các giải pháp về kỹ thuật, giải pháp về quản lý và giải pháp về sinh kế ngư dân.

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

4.1 Kết luận

Tổng số tàu tham gia khai thác bằng nghề lồng bẫy tại Bạc Liêu dao động từ 136 – 246 tàu, tùy thuộc vào mùa vụ khai thác.

Mùa khai thác chính của nghề lồng bẫy là từ tháng 7 tới tháng 12 dương lịch.

Số ngày hoạt động trong tháng của nghề lồng bẫy dao động từ 10 – 17 ngày/tháng; tháng 9 và tháng 11 là hai tháng có hệ số hoạt động cao nhất, trong khi tháng 3 là tháng có hệ số hoạt động tàu thuyền thấp nhất.

Tổng sản lượng khai thác trong năm của nghề lồng bẫy ước đạt 1.447 tấn, trong đó tháng 8 là tháng đạt sản lượng cao nhất 318 tấn và tháng 2 có sản lượng thấp nhất, chỉ khoảng 42 tấn.

Tổng số bắt gặp 68 loài/nhóm loài bị bắt gặp bởi nghề khai thác bằng lồng bẫy, trong đó các loài như ghẹ lửa, ghẹ xanh, cá lành canh, cá đù uốp, cá sạo, cá nhụ là những loài bắt gặp nhiều nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trong sản lượng.

Đa số các loài bắt gặp có chiều dài trung bình nhỏ hơn chiều dài Lm50, nhóm chiếm ưu thế trong thành phần loài cũng là những nhóm cá có kích thước nhỏ.

Hệ số khai thác của cá đù uốp, đại diện cho các loài khai thác bởi nghề lồng bẫy là 0,65. Điều này cho thấy tình trạng khai thác quá mức của nghề lồng bẫy đang diễn ra với loài cá này nói riêng và các loài khác nói chung.

Cường lực khai thác của nghề lồng bẫy đã vượt mức tối ưu là 1,3 lần.

Với kích thước mắt lưới 2a từ 18 – 20 mm như hiện nay thì khoảng 75% số lượng cá đù uốp sẽ bị đánh bắt bởi nghề này khi chiều dài cơ thể mới đạt 109,2 mm, trong khi chiều dài thành thục Lm50 của loài này là 178,8 mm. Điều này có nghĩa là hầu hết cá thể cá đù uốp bị bắt bởi nghề lồng bẫy khi còn rất nhỏ.

Hiện trạng khai thác quá mức bởi nghề lồng bẫy đang diễn ra trong khi các cơ chế và quy hoạch của tỉnh chưa được thực hiện đúng mức. Vì vậy, cần thực hiện ngay các giải pháp đề xuất để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ không bị tác động xấu bởi nghề lồng bẫy.

 4.2 Đề xuất

          Cấm khai thác ở vùng ven bờ, đặc biệt là vùng cửa sông Gành Hào và khu vực phụ cận trong thời gian từ ngày 1/2 đến hết 30/4 hằng năm.

          Tham mưu về chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những ngư dân chuyển đổi từ nghề lồng bẫy sang các nghề khác ít xâm hại tới nguồn lợi thủy sản bổ sung.

          Cần điều chỉnh cường lực khai thác của nghề lồng bẫy xuống 1,3 lần để đảm bảo nguồn lợi cá đù uốp được khai thác một cách hợp lý.

          Lồng bẫy là nghề khai thác thụ động, việc sử dụng kích thước mắt lưới quá nhỏ đã và đang khai thác một cách hủy hoại nguồn lợi khi mà những cá thể còn chưa kịp tham gia vào quần đàn sinh sản lần đầu đã bị đánh bắt. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lợi cá bố mẹ và trực tiếp làm giảm nguồn lợi thủy sản bổ sung cho thế hệ sau. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh tay để ngư dân sử dụng kích thước mắt lưới lớn hơn khi khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ bằng nghề lồng bẫy.

          Cần mở rộng về thời gian cũng như về không gian nghiên cứu các đối tượng thủy sản được khai thác chủ yếu bằng nghề lồng bẫy. Cần thu thập đủ dữ liệu đầy đủ hơn để có thể đưa ra kết luận chính xác hơn về mùa vụ sinh sản của các loài cá kinh tế.

          Cần nghiên cứu thêm về đặc điểm sinh học chủng quần của một số loài hay bắt gặp bởi nghề lồng bẫy như cá đù đuôi bằng, cá sóc, cá nhụ…

Long Trì

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác