Triển khai phòng, chống bão Sarika (bão số 7) (18-10-2016)

Bão số 7 (bão Sarika) được nhận định là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh. Trong những ngày qua, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai công tác phòng, chống bão số 7 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.
Triển khai phòng, chống bão Sarika (bão số 7)

Ngày 16/10/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (BCĐ TW PCTT) với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ để chỉ đạo công tác ứng phó với bão Sarika và khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10/2016 chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các Bộ, ngành có liên quan triển khai công tác khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. Đối với khu vực ven biển và đồng bằng cần thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão, mưa lũ quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, cấm biển nhằm hạn chế thiệt hại, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngoài ra cũng cần rà soát các khu nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, suối, ven biển, các công trình không bảo đảm an toàn để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn…

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, gửi thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ và chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các thành viên BCĐ TW PCTT và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố, đồng thời cử đoàn công tác phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh để kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản đã tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, thông báo cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển biết cũng như hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên biển trong quá trình di chuyển tránh bão. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống thông tin quản lý tàu cá Movimar và hệ thống Trạm bờ nắm số lượng tàu cá đang hoạt động trên biển, số lượng tàu cá nằm trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão. Phối hợp với Chi cục Thủy sản địa phương thông báo diễn biến của bão tới các chủ tàu đang hoạt động trên biển để các tàu chủ động di chuyển và tìm nơi trú tránh. Cử cán bộ đi địa phương nắm tình hình cũng như cùng địa phương tổ chức phòng chống bão.

Tại các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đã tổ chức thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ TW PCTT, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7 và mưa, lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh: Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Bình Định đã có công điện chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão và mưa, lũ.

Về t tàu thuyền hoạt động trên biển, theo Báo cáo số 417/BC-CQTT của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00’ ngày 17/10/2016, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.694 phương tiện, tàu, thuyền/288.059 người và 3.081 lồng bè nuôi trồng thủy sản/3.678 người, biết thông tin, vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, Tại ngư trường khu vực Hoàng Sa có 20 tàu với 206 người đang hoạt động. Khu vực ven bờ và các vùng biển khác có 9.069 tàu với 47.254 người đang hoạt động. Số tàu neo đậu tại bến là 61.605 tàu với 204.599 người.

Tin bão gần bờ (Cơn bão số 7)

Theo Trung tâm Khia tượng thủy văn trung ương, hồi 04 giờ ngày 18/10/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 04 giờ ngày 19/10/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 60km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (từ 120 đến 135 km/giờ), giật cấp 13 - 14. Vùng nguy hiểm (có gió mạnh từ cấp 6 trở lên) ở phía Bắc Vĩ tuyến 16N và phía Tây Kinh tuyến 114,5E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên ở phía Bắc Vĩ tuyến 17N và phía Tây Kinh tuyến 114,0E. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14; sóng biển cao 4 -6m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16 giờ ngày 19/10/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11 - 12. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14; sóng biển cao từ 3 - 5m, biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 20/10/2016, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 60 km/h), giật cấp 9 - 10.

Cảnh báo từ chiều tối đêm 18/10/2016 đến gần sáng ngày 20/10/2016 sẽ xuất hiện mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn có lượng mưa 200 – 300 mm/cả đợt.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác