Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 7, hướng vào Vịnh Bắc Bộ (07-10-2021)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Sáng sớm nay (08/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7 năm 2021 và có tên quốc tế là LIONROCK.
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 7, hướng vào Vịnh Bắc Bộ

Hồi 07 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 07 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để chỉ đạo ứng phó cơn bão số 7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản đã có Công điện số 03 /CĐ-TCTS-KN yêu cầu các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của Bão rà soát, kiểm đếm, nắm chắc tình hình tàu cá đang hoạt động trên biển, trong khu neo đậu tránh trú bão và tại các bãi ngang ven biển; duy trì thông tin liên lạc và hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển tránh trú ATNĐ đảm bảo an toàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền tại các cảng cá, khu neo đậu, tại các cửa sông đảm bảo an toàn tránh sự ảnh hưởng của dòng chảy do nước lũ.

Tập trung thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đối với các đối tượng nuôi còn lại, phải hướng dẫn người dân kiểm tra, gia cố bờ ao chắc chắn và vây lưới xung quanh bờ ao/đầm tránh để sổng thoát thủy sản nuôi, đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn; đối với một số đối tượng nuôi ở vùng nguy hiểm, nguy cơ thiệt hại cao hướng dẫn người dân thu tỉa sớm;

Khẩn trương di dời lồng bè nuôi thủy sản vào nơi an toàn; tuyệt đối không để dân ở lại trên các chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trong thời gian bão đổ bộ vào.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về thường trực Ban Chỉ huy để chỉ đạo, xử lý các tình huống trong và sau bão.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác