Chủ động các phương án phòng chống bão số 9 trên biển Đông (22-11-2018)

Sau khi đi vào biển Đông, Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 9 trên biển Đông. Theo dự báo đến 07 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Chủ động các phương án phòng chống bão số 9 trên biển Đông

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 07 giờ sáng ngày 22/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Khi đi vào biển Đông, trên điều kiện nền nhiệt nước biển ở khu vực biển Đông đang cao (trên 27 độ), cùng lúc ở phía Bắc vào chiều và đêm ngày 21/11 sẽ có một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ ảnh hưởng tới sự dịch chuyển cũng như cường độ của bão số 9.

Theo dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần. Đến 07 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Nhiều khả năng trong chiều và tối ngày 23/11 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu, cường độ của bão khi đổ bộ có thể lên tới cấp 8-9.

Trước diễn biến đường đi phức tạp của cơn bão số 9 và những thiệt hại vô cùng lớn do hoàn lưu cơn bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây ra tại cho Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung. Để chủ động phòng chống cơn bão giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và của, các địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp, phương án để ứng phó phòng chống cơn bão số 9. Rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão số 12 (bão Damrey) trong năm 2017, đã gây thiệt hại rất lớn cho những người nuôi trồng thủy sản trên biển tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, các địa cần tiếp tục theo giõi chặt chẽ tình hình diễn biến đường đi của bão, khẩn trương lên các phương án kêu gọi các tàu thuyền, các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển để di chuyển tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác