Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc phòng chống thiên tai (31-03-2018)

Ngày 29/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, hơn 400 trăm đại biểu là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TW PCTT), Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn (UBQG TKCN), lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan và Bí thư tỉnh ủy các tỉnh miền núi phía Bắc, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các cơ quan Liên Hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam: UNDP; UNICEF; đại diện Ngân hàng hỗ trợ Châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB) và các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc phòng chống thiên tai

Trong những năm qua thiên tai trên thế giới và trong khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Tại cuộc họp, Bộ trưởng – Trưởng ban BCĐ TW PCTT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017, tình hình thiên tai bất thường, diễn ra suốt cả năm, trên tất cả các vùng miền, tại ngay cả những nơi ít xảy ra thiên tai lớn (như bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa); với nhiều kỷ lục, trong đó có kỷ lục về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên; lượng mưa có khu vực đạt 4.777mm/năm (Bắc Quang); tổng lượng mưa đợt lên tới 19 tỷ m3 (bão số 12), lưu lượng Hồ Hòa Bình ngoài mùa lũ đạt 16.520 m3/s với tổng lượng trên 1,4 triệu m3 nước (tháng 10), lần đầu tiên vận hành 08 cửa xả đáy; xuất hiện 426 sự cố/170 km đê, kè và kỷ lục về nhiệt độ cao nhất trong mùa hè (42°C) và nhiều bất thường của thiên tai khác. Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

Bộ trưởng cho biết, để ứng phó với thiên tai trong những năm qua, cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ TW PCTT, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan đoàn thể, báo chí, nhân dân vùng thiên tai đã vào cuộc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang đã huy động trên 444.000 lượt cán bộ, chiến sỹ. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ, phóng viên đã không quản ngại nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ, nhiều cách làm sáng tạo, quyết đoán, kịp thời đã được thực thi trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đặc biệt là vận hành liên hồ, ứng phó với lũ vượt mốc lịch sử trên một số tuyến đê, cảnh báo tới cộng đồng bằng tin nhắn, tiếp nhận phân phối hỗ trợ của quốc tế, tuyên truyền tới cộng đồng bằng nhiều hình thức sống động, sáng tạo, hiệu quả…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận trong những đợt thiên tai lớn gần đây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng đang có xu thế gia tăng; thực tiễn công tác PCTT hiện nay đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức mới cần đánh giá, xác định nguyên nhân cũng như đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ giải quyết  kịp thời trong thời gian tới. Về bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), công tác quản lý tàu thuyền (với trên 110.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản và rất nhiều tàu vận tải thường xuyên hoạt động trên biển) còn nhiều khó khăn, bất cập nhất là chất lượng tàu thuyền, thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc, đăng ký ngư trường, khu neo đậu. Sơ tán dân, di chuyển lồng bè, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và khả năng chống bão của khu vực ven biển Nam Trung Bộ (Khánh Hoà) và ĐBSCL còn nhiều hạn chế, một số nơi vẫn còn tư tưởng chủ quan và tổ chức thực hiện chưa quyết liệt.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã có các bài phát biểu tham luận  đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; cũng như nêu những vấn đề tồn tại, bất cập và đề xuất những kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ khắc phục những hạn chế ở địa phương mình.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác PCTT trong thời gian qua. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo phải có tổ chức bộ máy và thể chế tốt hơn nữa để phục vụ công tác PCTT; bộ máy phải gọn và tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm với công việc phải cao và luôn phải gắn với quyền lợi của người dân, hướng tới người dân; phải tiếp tục hoàn thiện cả quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo an toàn hay các chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác PCTT.

Ngoài ra, phải nâng cao năng lực điều hành, BCĐ TW PCTT, Ban chỉ đạo các cấp phải hoạt động liên tục có hiệu quả, chủ động chứ không phải đến mùa mưa lũ mới hoạt động.Cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCTT và tham mưu đề xuất với Chính phủ về nội dung này. Bên cạnh đó, vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong công tác PCTT phải nghiêm minh, khi họp về thiên tai bão, lũ phải đông đủ các cấp, các ngành và người có trách nhiệm thì mới quyết định được những tình huống cụ thể. Công tác truyền thông về PCTT phải hết sức chú trọng, truyền thông bằng nhiều phương thức khác nhau để những thông tin kiến thức PCTT và những nguy cơ thiên tai phải đến được với người dân một cách đầy đủ và kịp thời.

Liên quan đến công tác PCTT tại các khu vực, Thủ tướng đề nghị các tỉnh lưu tâm và có sự chỉ đạo chủ động, kịp thời các vấn đề như: mưa lũ, sạt lở đất, an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản... bảo đảm an toàn ở cùng hạ du các hồ thủy điện đặc biệt đảm bảo an toàn thủ đô Hà Nội. Thủ tướng giao Bộ NN và PTNT, Văn phòng Chính phủ lắng nghe, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đó tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác